Saturday, April 16, 2011

39. Niềm vinh quang khác


Ai cũng mang trong lòng một giấc mơ thầm kín được vinh quang. Chúng ta mơ một cách nào đó chúng ta sẽ nổi bật và được công nhận. Vì thế chúng ta mơ tưởng những thành tựu vĩ đại làm chúng ta vượt xa người khác và trở nên nổi tiếng. Các giấc mơ này có thể thay đổi, nhưng luôn luôn trong các giấc mơ đó, chúng ta là tâm điểm – người được ngưỡng mộ nhất trong một căn phòng, cầu thủ ghi bàn thắng quyết định, nữ ngôi sao vũ nhạc, nam diễn viên nhận giải thưởng nghệ thuật, văn sĩ các sách bán chạy nhất, nhà trí thức đoạt giải Nobel, hoặc thậm chí chỉ là người kể chuyện hay nhất trong một nhóm.

Những gì chúng ta theo đuổi trong các chuyện này đều là sự chú ý, sự khâm phục, độc đáo, sự khen thưởng để chúng ta thật sự được công nhận và được mến mộ. Chúng ta muốn ánh sáng luôn luôn chiếu tỏa trên chúng ta.

Điều này không phải là xấu hay không lành mạnh. Chúng ta được dựng lên để đứng nổi bật giữa đám đông. Thực tế này về chúng ta là vô cùng thật (đôi khi tới mức không chịu nỗi) và các nhà khoa học ngày nay nói rằng vũ trụ không có tâm điểm duy nhất mà mọi nơi, mọi cá nhân đều là tâm điểm của nó. Và vì thế không có gì là bí mật khi mỗi người chúng ta ai cũng cảm thấy mình là tâm điểm và muốn được công nhận mình là tâm điểm. Chúng ta nuôi một giấc mơ thầm kín sẽ được vẻ vang, và, trong một chừng mực nào đó, điều này lành mạnh.

Những gì kém lành mạnh là cách chúng ta mường tượng vinh quang trong giấc mơ của mình. Trong hoang tưởng của chúng ta, vinh quang hầu như luôn luôn đọng lại ở sự nổi tiếng, nổi bật, thành công, những cái làm người khác thèm muốn, bằng cách này hay cách khác đều muốn nổi bật nhất, rạng rỡ nhất, tài năng nhất. Trong tưởng tượng của chúng ta, vinh quang có nghĩa là có sức mạnh tự thúc đẩy mình trong những phương diện nào đó để vượt lên trên người khác, dù là phục vụ cho một động cơ tốt. Chẳng hạn một vài tưởng tượng loại này của chúng ta là mơ về lòng tốt, có sức mạnh đẩy lùi cái xấu. Quả thật đây là hoang tưởng muốn cứu nhân độ thế. Trước khi chúa Giê-su giáng thế, các người thiện tâm, các người có lòng tin đều cầu mong một đấng Cứu Thế xuất hiện, trong trí tưởng tượng của họ, đấng Cứu Thế là người luôn có khuôn mặt sáng ngời như sao, người có trái tim vô cùng cao cả và sức mạnh cơ bắp vô địch, người sẽ thay mặt Thiên Chúa toàn năng trị những lực lượng xấu xa.

Nhưng như chúng ta thấy trong Phúc Âm, vinh quang thật sự không chứa đựng bất cứ hành động chiến thắng kẻ xấu hay đánh bại bất cứ người nào. Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng và quân lính đều chế nhạo và buông lời thách thức Người làm phép lạ để cứu mình và cứu cả hai tội phạm cùng bị đóng đinh: “Nếu ông là con Thiên Chúa, hãy chứng tỏ đều đó, hãy xuống khỏi thập giá và cứu lấy mình đi!”

Tuy nhiên, phảng phất trong Phúc Âm một bài học khác mà chúng ta rất dễ bỏ qua: Trên thập giá, Đức Giê-su chứng tỏ sức mạnh của Người rất xa với những gì có thể đo đếm được, không phải bằng việc làm phép lạ về mặt vật chất để chứng tỏ mình là Thiên Chúa và để trừng phạt những kẻ nhạo báng và đóng đinh mình, nhưng bằng phép lạ của quả tim, Người đã tha thứ cho họ. Quyền năng cao cả nhất là ở lòng tha thứ chứ không phải ở vũ lực.

Đó là vinh quang thật sự, và đó là điều duy nhất chúng ta thật sự nên ước muốn. Đó chính là lòng trắc ẩn, tha thứ mà Đức Giê-su đã biểu lộ khi đối diện với ghen ghét, căm hờn và những kẻ muốn giết mình.

Chúng ta thấy được điều này trong Phúc Âm, vào một ngày kia thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an đến xin Đức Giê-su để được hưởng vinh quang bên Người. Người nghiêm túc ghi nhận lời cầu xin và hỏi họ: “Các con có thể uống chén đắng mà ta phải uống không?” Một cách chất phác họ trả lời: “Chúng con có thể!” Đức Giê-su đáp: “Chén ta sẽ uống rồi các con sẽ uống, nhưng chiếc ghế vinh quang ở bên trái hay bên phải, cái đó không thuộc quyền ta cho các con.”

Những gì Đức Giê-su nói có nghĩa: Bạn sẽ nếm đau khổ, mỗi người sẽ nếm, và đau khổ này sẽ khiến bạn thêm sâu sắc. Tuy nhiên, không nhất thiết nó sẽ làm cho bạn sâu sắc một cách đúng đắn. Đau khổ có thể làm cho bạn đi sâu vào tình thương, trắc ẩn, tha thứ, nhưng nó cũng có thể làm cho bạn chìm trong cay đắng và giận dữ. Tuy vậy, chỉ có lòng trắc ẩn và tha thứ mới mang lại cho cuộc đời bạn vinh quang thật sự.

Định nghĩa về vinh quang của Đức Giê-su rất khác với định nghĩa của chúng ta. Vinh quang thật sự đối với Người không phải là vinh quang của huy chương vàng, của nhà vô địch, đoạt giải Oscar, hoặc sở hữu những thứ khiến người khác ganh tị. Vinh quang cốt ở chỗ thấm sâu vào lòng trắc ẩn, tha thứ, từ bi và những điều này thường không được sinh ra từ các thành công trần thế, các việc làm cho rạng rỡ hơn, thu hút hơn, giàu có hơn, sức mạnh cơ bắp hơn những người xung quanh.

Tất cả chúng ta đều nuôi giấc mơ vinh quang. Một phần nào đó, điều này lành mạnh, dấu hiệu cho thấy chúng ta có cảm xúc bình thường. Tuy nhiên, điều này cần được lớn lên và trưởng thành bên trong chúng ta. Giấc mơ vinh quang thầm kín có nghĩa là trưởng thành để cuối cùng chúng ta sẽ bắt đầu và càng ngày càng nhận ra rằng chúng ta nổi bật không phải bằng tài năng, bằng vẻ bên ngoài, bằng cơ bắp và sự thành công, mà ở chính chiều sâu của lòng trắc ẩn và phẩm cách tha thứ của chúng ta.


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(Different Kinds of Glory, 2007)