Friday, April 22, 2011

Lời nguyện cầu của buổi chiều Thứ Sáu


Lạy Chúa,
khóc mỗi khi tưởng niệm cuộc thương khó của Ngài,
đó là điều hằng năm con đã,
nhưng khóc để mà nói thì chưa đủ,
nhưng cần phải gạt nước mắt mà ngước nhìn lên.
Thiên Chúa phục sinh đang đợi phía trước,
Ngài đã vượt qua dòng nước mắt nhân loại về đến bến bờ vinh quang.


Không hiểu tại sao,
con cứ mải bơi trong bể nước mắt đời mình,
mãi vẫn không tìm ra được bến bờ hạnh phúc.


Xin gọi tên con,
lau khô giọt lệ còn dang dở,
cho con niềm vui bất diệt vì sự chiến thắng khải hoàn.


Tự bản thân,
con cứ mãi đánh mất sự sống phục sinh,
hỏi sao đủ sức gánh đỡ thập giá.


Tha thứ cho con,
niềm tin mong manh dễ vỡ.
Cho con bình an phục sinh đích thực,
mỉm cười trước lũ đời trái ngang…


M. Hoàng Thị Thùy Trang

Wednesday, April 20, 2011

TIỆC LY - LỜI TÂM HUYẾT


Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hoá của thời Mao Trạch Đông. Lúc được trả tự do, ông viết một bài báo với nhan đề: “Thiên Chúa Giáng Sinh” của linh mục Char, câu chuyện được kể lại thật cảm động như sau:

Tôi bị giam ở trong một trại giam bên Trung Quốc. Trong trại có một linh mục cùng bị giam tên là Char, 40 tuổi, người Trung Quốc và là linh mục dòng Sitô. Ở trong tù, tôi phải ăn uống cực khổ, chịu kỷ luật khắt khe và công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Linh mục Char luôn nêu gương bác ái. Ngài không phải là con người có sức lực lưỡng, nhưng ai mệt thì được ngài gánh giúp, ai nặng gánh không nổi thì được ngài đổi gánh cho nhẹ hơn của mình. Ngài luôn luôn vui vẻ khích lệ anh em, trong trại ai ai cũng mến phục.

Tôi là người Công giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Và điều làm cho tôi thắc mắc là tại sao cha Char lại biết tôi là người Công giáo? Vì một hôm giữa trời đông rét, vào giờ giải lao, ngài cầm tay kéo tôi đi theo và hỏi: “Anh là người Công giáo phải không?” Tôi trả lời “Thưa cha phải!” Linh mục hỏi tiếp: “Hôm nay là ngày lễ gì anh có biết không?” Tôi trả lời: “Thưa cha, tôi không biết”. Linh mục nói tiếp: “Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh”.

Vị linh mục trầm lặng và hỏi nhỏ tôi một câu: Chắc anh nhớ gia đình lắm phải không? Thôi đi theo tôi, chúng ta cùng nhau xuống hố đất kia, tôi cùng anh dâng Thánh lễ.” Tôi cảm thấy có một sức mạnh nào đó nơi cha thu hút tôi, khiến chân tôi phải bước đi và cả hai chúng tôi xuống hố sâu. Chung quanh miệng hố, đất đào nhô lên được đắp thành hai cái mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao ngài lại có một ve rượu nhỏ, và đựng trong một cái bát nhỏ và một mẩu bánh lễ. Ngài để cả hai trên một mô đất nhỏ trước mặt, rồi giang tay cầu nguyện. Lúc đưa Mình Thánh lên, mặt ngài sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn rồi tự nhiên đầu gối quì xuống. Tôi ăn năm sám hối, và ngài cho tôi rước lễ, mắt tôi nhoà lệ và lòng tôi cũng như lòng ngài ấm áp hẳn lên.

Sau đó, chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ. Một tên lính gác nhìn thấy chúng tôi liền chạy lại ngay, tóm cổ linh mục và hỏi: “Mày đi đâu đàng kia?” Ngài thẳng thắn trả lời: “Hôm nay là ngày lễ trọng của chúng tôi. Giờ giải lao, tôi đi cầu nguyện”. Tên lính nổi giận đánh cho ngài một trận chí tử, ngài lặng thinh chịu đựng. Hắn dẫn ngài đi từ đó, tôi không còn gặp ngài được nữa. Nhưng suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm tiệc ly thánh thiện đó”. Chưa bao giờ trong đời tôi đã tham dự và dâng lễ Giáng Sinh một cách sốt sắng như hôm ấy. Lễ Giáng Sinh hôm đó đã biến đổi cả cuộc đời của tôi và đức tin đã sống lại nơi tôi.

*********

Bí tích Thánh Thể là đích điểm của con đường đức tin. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng với lời kêu gọi: “Thời giờ đã đến, Nước Trời đang gần bên. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng”. Rồi cuối cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể với các môn đệ. Ngài căn dặn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Những chặng đường canh tân đã trải qua, và như vậy thì Mùa Chay này phải hướng dẫn chúng ta đến với việc cử hành bí tích Tình Yêu một cách tốt đẹp nhất, để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và sống lại với Ngài trong ánh sáng Phục Sinh khải hoàn.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Đường Hy Vọng” căn dặn: cả gia đình Chúa Giêsu hướng về núi Calvariô, cả gia đình con hướng về Thánh lễ. Con muốn nhân danh Chúa ư? Hãy tham dự Thánh lễ. Con muốn cảm tạ Chúa ư? Hãy tham dự Thánh lễ. Con muốn cứu nhân loại ư? Hãy tham dự Thánh lễ. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Đèn không sáng, nếu hết dầu. Xe không chạy, nếu hết xăng. Hồn tông đồ sẽ suy mạt, nếu không đến với Thánh lễ: “Ai không ăn Thịt và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống đời đời.”

Mọi người tin nhận Chúa đều được mời gọi đến tham dự và cùng dâng Thánh lễ. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng, người đồ đệ phản Thầy là Giuđa đã bỏ phòng tiệc ra đi trước khi Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể.

“Chúng con đã sửa soạn cho Thầy ăn mừng lễ Vượt Qua ở đâu?” Là những kẻ yêu mến Chúa Giêsu thật lòng, thì không thể nào mà không bắt chước gương của các tông đồ hăng say góp phần của mình để Chúa có được chỗ mừng lễ Vượt Qua. Việc cử hành hy lễ Thánh Thể là thực hiện trọn vẹn công cuộc cứu rỗi nhân loại. Giuđa kẻ phản bội cũng ngồi vào bàn dự tiệc rồi ra đi phản bội Thầy mình, mặc dù đã có lời cảnh tỉnh của Chúa.

*****

Lạy Chúa, mặc dù đã nhiều lần con được hiệp dâng Thánh lễ, được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa làm của ăn nuôi dưỡng đời sống đức tin, nhưng con luôn ý thức về thân phận mỏng dòn của mình là có thể phản bội Chúa bất cứ lúc nào. Vậy xin Chúa thương gìn giữ con trong tình yêu thương hải hà của Chúa. Amen!


Radio Veritas

Sunday, April 17, 2011

40. Phục sinh - Sức mạnh của suy nghĩ tích cực hay Quyền năng của Thiên Chúa?




Trong tất cả các truyền thống tôn giáo, các tác giả cổ điển đều nói có một huyền bí trong sự thăng tiến, ấy là, đến một lúc nào đó, chúng ta phải để các ân sủng tự hành động. Nó không có nghĩa là chúng ta ngừng mọi cố gắng, nhưng chúng ta cần để các nổ lực của mình được lớn lên bởi một cái gì đó vượt trên chúng ta.

Etty Hillesum giải thích trong quyển nhật ký của bà: Tôi không cần phải lắp ráp đời mình thêm nữa vì có một tiến trình cơ cấu đang làm việc trong tôi. Có một điều gì đó đang lớn lên, và mỗi lần tôi nhìn mình, là mỗi lần tôi thấy có một cái gì tươi mới xảy ra, và tất cả những gì tôi phải làm là chấp nhận nó.
Đây có phải là những gì chúng ta gọi là phục sinh?

Đối với nhiều người phục sinh là một ẩn dụ, là niềm tin gần giống như huyền thoại Phượng hoàng: Chết không phải là hết và, nếu chúng ta làm điều đúng, chúng ta có thể sống lại từ tro bụi của mình.

Cái gì cho chúng ta sức mạnh để có thể sống lại từ tro bụi của mình? Đó là sức mạnh ý chí và suy nghĩ tích cực. Theo ý tưởng này nếu bạn suy nghĩ tích cực, điều tốt sẽ xảy đến với bạn. Nếu bạn đặt niềm tin mạnh mẽ vào điều gì đó, nó sẽ trở thành hiện thực. Nếu bạn luôn ấp ủ điều tốt, điều tốt sẽ đến với bạn. Đức tin, hy vọng, và suy nghĩ tích cực làm cho điều tốt xảy ra và tái sinh cuộc sống từ nhiều cái chết.

Đây là nền tảng cho nhiều triết lý tu thân và nhiều nhóm tôn giáo. Họ xây dựng nền tảng của họ dựa trên sức mạnh của tinh thần con người hơn là sức mạnh của các ân sủng siêu nhiên. Theo họ, phục sinh là truyền thuyết Phượng Hoàng, được nâng lên một chút bởi ngôn ngữ tâm lý và tôn giáo.

Có một vài chiều sâu và sự thật trong đó. Trong các ý tưởng này có ý tưởng phục sinh là suy nghĩ tích cực và tin rằng năng lượng tích cực sẽ làm cho những điều tốt sẽ xảy ra, cũng như loại suy nghĩ tự chuốc thất bại hay tự mãn. Suy nghĩ tích cực tạo ra năng lượng tích cực và năng lượng này có thể mang sự sống ra khỏi bụi tro. Nó cũng đúng với thể lý. Đôi khi có một loại bệnh lý nặng nào đó mà thái độ tích cực cũng quan trọng cho sự chữa trị như gặp được thuốc men thích hợp. Đó không phải chỉ là suy nghĩ mơ ước; thái độ đúng đắn làm cho năng lượng thể lý, cảm xúc và thiêng liêng đến với thế gian và vào thể xác con người.

Đối với nhiều người, đó chính ý nghĩa của phục sinh, là ẩn dụ về sự chuyển hóa mà năng lượng tích cực có thể đem đến cho thế gian...

Tuy nhiên nó còn hơn thế. Phục sinh không chỉ nói đến tiềm năng của năng lượng tích cực trong chúng ta, nó cũng là, và đặc biệt, nói đến sức mạnh của Thiên Chúa, một năng lượng huyền diệu, có thể làm những gì chúng ta không thể làm cho chính mình, một năng lượng có thể làm những gì mà về mặt bản chất, chúng ta không thể làm được. Phục sinh là sức mạnh từ thế giới bên kia đi vào thế gian và cuộc sống của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể hiểu được điều này?

Nhà thần học và triết gia Paul Tillich phân biệt các thuật ngữ: Tôn giáo giả (Pseudo-religion), Tôn giáo từa tựa (Quasi-religion), và Tôn giáo đích thật (Real-religion.)

Tôn giáo giả là khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ tôn giáo (Thiên Chúa, mạc khải, ân sủng, phục sinh) nhưng trong bản chất, những từ ngữ này lại ám chỉ đến những gì cao nhất trong ý thức mỗi người. Và, trong cái tốt nhất của nó, nó có thể làm cho chúng ta trưởng thành, có lòng vị tha; còn trong cái xấu nhất của nó, nó làm cho chúng ta tự mê dụ chính mình và tự cao tự đại. Rốt cùng thì, trong cả hai trường hợp, chúng ta đều đang làm cho ý thức tái sinh; sức mạnh ý chí và suy nghĩ tích cực đóng vai trò then chốt trong bất cứ sự trưởng thành và chuyển hóa nào.

Ngược lại, tôn giáo từa tựa không sử dụng ngôn ngữ tôn giáo, thay vào đó họ sử dụng ngôn ngữ phân tích xã hội, tâm lý, triết lý, kinh tế, và nhân loại học. Những gì nó kêu gọi chúng ta không phải là những gì cao nhất trong ý thức mỗi người, nhưng là những gì cao nhất trong ý thức tập thể. Cũng như tôn giáo đích thật, nó kêu gọi chúng ta vượt lên bản thân mình để đến nhân vị siêu việt. Tôn giáo từa tựa, những biểu hiện tốt nhất của nó nằm trong các hệ tư tưởng chính trị và xã hội (chủ nghĩa Mác-xít, Hòa Bình Xanh, các tổ chức Phi chính phủ, Công bình xã hội), cũng như Tôn giáo đích thật, nó kêu gọi chúng ta vượt lên bản thân mình, nhưng không giống như  Tôn giáo đích thật, rốt cùng nó không mang lại bầu khí siêu nghiệm cho cuộc sống. Nó vẫn chỉ chạm ở những gì cao nhất trong mỗi chúng ta; sức mạnh ý chí và suy nghĩ tích cực vẫn là sức mạnh chủ đạo thật sự đằng sau bất cứ chuyển hóa nào trong thế gian hoặc bên trong bản thân mình.

Tôn giáo đích thật có thể sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ tôn giáo cổ điển, nhưng, trong cả hai trường hợp, những gì nó mở ra cho chúng ta không chỉ là những gì cao nhất trong bản thân mình và những gì chúng ta có thể đạt được qua sức mạnh ý chí và suy nghĩ tích cực. Nhưng còn hơn thế, nó mở ra cho chúng ta một sức mạnh và ân sủng vượt lên bản thân mình. Nó không phải chỉ làm tái sinh bầu khí trong vũ trụ; nó mang bầu khí siêu nghiệm, thiêng liêng từ thế giới bên kia đến.

Phục sinh có một chỗ cho suy nghĩ tích cực và nó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sức mạnh ý chí tương hợp. Nhưng nó còn nhiều hơn thế. Rốt cùng, nó là sức mạnh thượng siêu việt của Thiên Chúa mở tung ra trong thiên nhiên và trong cuộc sống chúng ta, làm cho chúng ta những gì chúng ta không thể làm bằng sức mạnh ý chí và suy nghĩ tích cực. Phục sinh là một sức mạnh có thể giúp chúng ta xếp đặt lại các yếu tố ở trong thể xác, trong các cảm xúc đau đớn, trong thế giới phân chia của chúng ta để nâng chúng ta lên một đời sống mới từ bụi tro.


Fr. Ron  Rolheiser, OMI
(The Resurrection - The Power of Positive Thinking or the Power of God?, 2007)

Saturday, April 16, 2011

39. Niềm vinh quang khác


Ai cũng mang trong lòng một giấc mơ thầm kín được vinh quang. Chúng ta mơ một cách nào đó chúng ta sẽ nổi bật và được công nhận. Vì thế chúng ta mơ tưởng những thành tựu vĩ đại làm chúng ta vượt xa người khác và trở nên nổi tiếng. Các giấc mơ này có thể thay đổi, nhưng luôn luôn trong các giấc mơ đó, chúng ta là tâm điểm – người được ngưỡng mộ nhất trong một căn phòng, cầu thủ ghi bàn thắng quyết định, nữ ngôi sao vũ nhạc, nam diễn viên nhận giải thưởng nghệ thuật, văn sĩ các sách bán chạy nhất, nhà trí thức đoạt giải Nobel, hoặc thậm chí chỉ là người kể chuyện hay nhất trong một nhóm.

Những gì chúng ta theo đuổi trong các chuyện này đều là sự chú ý, sự khâm phục, độc đáo, sự khen thưởng để chúng ta thật sự được công nhận và được mến mộ. Chúng ta muốn ánh sáng luôn luôn chiếu tỏa trên chúng ta.

Điều này không phải là xấu hay không lành mạnh. Chúng ta được dựng lên để đứng nổi bật giữa đám đông. Thực tế này về chúng ta là vô cùng thật (đôi khi tới mức không chịu nỗi) và các nhà khoa học ngày nay nói rằng vũ trụ không có tâm điểm duy nhất mà mọi nơi, mọi cá nhân đều là tâm điểm của nó. Và vì thế không có gì là bí mật khi mỗi người chúng ta ai cũng cảm thấy mình là tâm điểm và muốn được công nhận mình là tâm điểm. Chúng ta nuôi một giấc mơ thầm kín sẽ được vẻ vang, và, trong một chừng mực nào đó, điều này lành mạnh.

Những gì kém lành mạnh là cách chúng ta mường tượng vinh quang trong giấc mơ của mình. Trong hoang tưởng của chúng ta, vinh quang hầu như luôn luôn đọng lại ở sự nổi tiếng, nổi bật, thành công, những cái làm người khác thèm muốn, bằng cách này hay cách khác đều muốn nổi bật nhất, rạng rỡ nhất, tài năng nhất. Trong tưởng tượng của chúng ta, vinh quang có nghĩa là có sức mạnh tự thúc đẩy mình trong những phương diện nào đó để vượt lên trên người khác, dù là phục vụ cho một động cơ tốt. Chẳng hạn một vài tưởng tượng loại này của chúng ta là mơ về lòng tốt, có sức mạnh đẩy lùi cái xấu. Quả thật đây là hoang tưởng muốn cứu nhân độ thế. Trước khi chúa Giê-su giáng thế, các người thiện tâm, các người có lòng tin đều cầu mong một đấng Cứu Thế xuất hiện, trong trí tưởng tượng của họ, đấng Cứu Thế là người luôn có khuôn mặt sáng ngời như sao, người có trái tim vô cùng cao cả và sức mạnh cơ bắp vô địch, người sẽ thay mặt Thiên Chúa toàn năng trị những lực lượng xấu xa.

Nhưng như chúng ta thấy trong Phúc Âm, vinh quang thật sự không chứa đựng bất cứ hành động chiến thắng kẻ xấu hay đánh bại bất cứ người nào. Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng và quân lính đều chế nhạo và buông lời thách thức Người làm phép lạ để cứu mình và cứu cả hai tội phạm cùng bị đóng đinh: “Nếu ông là con Thiên Chúa, hãy chứng tỏ đều đó, hãy xuống khỏi thập giá và cứu lấy mình đi!”

Tuy nhiên, phảng phất trong Phúc Âm một bài học khác mà chúng ta rất dễ bỏ qua: Trên thập giá, Đức Giê-su chứng tỏ sức mạnh của Người rất xa với những gì có thể đo đếm được, không phải bằng việc làm phép lạ về mặt vật chất để chứng tỏ mình là Thiên Chúa và để trừng phạt những kẻ nhạo báng và đóng đinh mình, nhưng bằng phép lạ của quả tim, Người đã tha thứ cho họ. Quyền năng cao cả nhất là ở lòng tha thứ chứ không phải ở vũ lực.

Đó là vinh quang thật sự, và đó là điều duy nhất chúng ta thật sự nên ước muốn. Đó chính là lòng trắc ẩn, tha thứ mà Đức Giê-su đã biểu lộ khi đối diện với ghen ghét, căm hờn và những kẻ muốn giết mình.

Chúng ta thấy được điều này trong Phúc Âm, vào một ngày kia thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an đến xin Đức Giê-su để được hưởng vinh quang bên Người. Người nghiêm túc ghi nhận lời cầu xin và hỏi họ: “Các con có thể uống chén đắng mà ta phải uống không?” Một cách chất phác họ trả lời: “Chúng con có thể!” Đức Giê-su đáp: “Chén ta sẽ uống rồi các con sẽ uống, nhưng chiếc ghế vinh quang ở bên trái hay bên phải, cái đó không thuộc quyền ta cho các con.”

Những gì Đức Giê-su nói có nghĩa: Bạn sẽ nếm đau khổ, mỗi người sẽ nếm, và đau khổ này sẽ khiến bạn thêm sâu sắc. Tuy nhiên, không nhất thiết nó sẽ làm cho bạn sâu sắc một cách đúng đắn. Đau khổ có thể làm cho bạn đi sâu vào tình thương, trắc ẩn, tha thứ, nhưng nó cũng có thể làm cho bạn chìm trong cay đắng và giận dữ. Tuy vậy, chỉ có lòng trắc ẩn và tha thứ mới mang lại cho cuộc đời bạn vinh quang thật sự.

Định nghĩa về vinh quang của Đức Giê-su rất khác với định nghĩa của chúng ta. Vinh quang thật sự đối với Người không phải là vinh quang của huy chương vàng, của nhà vô địch, đoạt giải Oscar, hoặc sở hữu những thứ khiến người khác ganh tị. Vinh quang cốt ở chỗ thấm sâu vào lòng trắc ẩn, tha thứ, từ bi và những điều này thường không được sinh ra từ các thành công trần thế, các việc làm cho rạng rỡ hơn, thu hút hơn, giàu có hơn, sức mạnh cơ bắp hơn những người xung quanh.

Tất cả chúng ta đều nuôi giấc mơ vinh quang. Một phần nào đó, điều này lành mạnh, dấu hiệu cho thấy chúng ta có cảm xúc bình thường. Tuy nhiên, điều này cần được lớn lên và trưởng thành bên trong chúng ta. Giấc mơ vinh quang thầm kín có nghĩa là trưởng thành để cuối cùng chúng ta sẽ bắt đầu và càng ngày càng nhận ra rằng chúng ta nổi bật không phải bằng tài năng, bằng vẻ bên ngoài, bằng cơ bắp và sự thành công, mà ở chính chiều sâu của lòng trắc ẩn và phẩm cách tha thứ của chúng ta.


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(Different Kinds of Glory, 2007)

Friday, April 15, 2011

38. Nỗi thống khổ trong Vườn Giết-xê-ma-ni – Vườn Chuyển Hóa



“Đem điều thiện đến cho điều ác, đó là cách duy nhất để chấm dứt điều ác.” Câu nói khó hiểu của Leo Tolstoy có thể xem như chìa khóa để hiểu tấn kịch thật sự Đức Giêsu phải chịu trong vườn Giết-xê-ma-ni.

Mồ hôi máu Người đổ ra không phải chỉ là máu của người yêu, là nỗi đau ám ảnh của một tình yêu khó nắm bắt, nỗi đau cay đắng của một tình yêu chua chát, hay nỗi đau dày xéo phải quên đi tình cảm lãng mạn để giữ lòng chung thủy. Đức Giêsu đã trải qua những điều này trong vườn Giết-xê-ma-ni, nhưng ở đây còn có ý nghĩa khác hơn thế. Người đã phải đổ mồ hôi máu của người yêu, quyết tâm chịu đựng căng thẳng trong cộng đoàn để chuyển hóa và làm nó mất đi. Trong Vườn Giết-xê-ma-ni, Đức Giêsu đã đổ mồ hôi máu của Con Chiên Thiên Chúa để chuộc tội trần gian.

Đức Giêsu là con Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tội lỗi trần gian. Đó là tâm điểm ý nghĩa của Ki-tô giáo về sự cứu chuộc, đó cũng là biểu tượng tối hậu của đức tin chúng ta. Có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng luôn luôn trong cùng một nghĩa: “Cuộc thương khó của Đức Giêsu chuộc tội chúng ta.” “Máu Con Chiên Thiên Chúa rửa sạch chúng ta.” “Chúng ta được chữa lành nhờ các lằn roi hằn trên lưng Người.” “Cuộc thương khó của Đức Giêsu đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.” Nhưng, chúng ta được rửa sạch và hòa giải với Thiên Chúa qua máu Đức Giêsu như thế nào?

Kinh Thánh tả lại điều này bằng ẩn dụ và một cách chính xác, chúng ta phải cẩn thận, để không hiểu các ẩn dụ này theo nghĩa đen. Đức Giêsu không chết đi để Thiên Chúa nguôi giận, cơn giận mà loài người không thể làm gì để xoa dịu. Thiên Chúa cũng không cần phải thấy con Ngài chịu đau khủng khiếp và bị làm nhục mới tha tội cho chúng ta. Thiên Chúa không cần xoa dịu; có thể cho là như vậy, mặc dầu, đó là những gì ẩn dụ và biểu tượng về “Con Chiên Thiên Chúa” gợi ý lên.

Đức Giêsu mang lấy tội lỗi, không phải để xoa dịu một cơn gịân nào đó của Thiên Chúa, nhưng để ngấm trong lòng và chuyển hóa tội lỗi chúng ta. Bằng cách nào?

Thời xa xưa có những lễ “hiến tế”, các nghi thức phụng vụ nhắm mục đích đưa căng thẳng ra khỏi cộng đồng. Khi các căng thẳng trong cộng đoàn tăng cao, các cộng đoàn họp nhau lại và một cách tượng trưng, họ khoác các căng thẳng này trên một con dê hay một con chiên, rồi họ đuổi chúng chạy vào rừng hoang để chết. Theo quan niệm đó, “vật tế thần” sẽ đem căng thẳng và tội lỗi ra khỏi cộng đoàn, bằng cách rời cộng đoàn và chết đi.

Đức Giêsu cũng làm như vậy, nhưng khác một cách tận căn. Người lấy tội lỗi và căng thẳng ra khỏi cộng đoàn, không phải bằng cách chết và ra đi, nhưng bằng cách để ngấm trong lòng và chuyển hóa chúng thành một điều khác. Người làm như thế nào?

Một hình ảnh (đáng buồn, có tính máy móc hơn là có hệ thống) có thể hữu ích ở đây: Đức Giêsu lấy đi tội lỗi chúng ta giống như nguyên tắc bình lọc nước. Bình lọc lấy nước dơ vào, giữ nước dơ lại, lọc để nước sạch chảy ra. Chuyển hóa chứ không phải chuyển giao.

Chúng ta thấy điều này nơi Đức Giêsu: Như chiếc bình lọc, Người làm thanh khiết cuộc đời: Người nhận vào căm thù, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại tình yêu; Người nhận vào cay đắng, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại nhân từ; Người nhận vào lăng nhục, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại phúc lành; Người nhận vào xáo trộn, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại trật tự; Người nhận vào sợ hãi, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại tự do; Người nhận vào ghen ghét, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại yêu thương; Người nhận vào xa-tăng và sát nhân, giữ lại, chuyển hóa và gởi trả lại Thiên Chúa và lòng bao dung. Đức Giêsu lấy đi tội lỗi thế gian cũng một cách giống như bình lọc nước, lấy chất dơ khỏi nước, ngấm vào, giữ lại đồ dơ và chỉ để nước sạch chảy ra.

Thật không dễ để làm. Làm mà không oán giận, có nghĩa là đổ mồ hôi máu, máu của một người yêu thương. Như một người đang yêu, Đức Giêsu đi vào Vườn Giết-xê-ma-ni, và như chúng ta, Người cũng bị lôi kéo về phía cay đắng, sợ hãi, oán giận, và tự vệ. Như chúng ta, Người cũng bị ám ảnh theo chiều hướng này. Nhưng đây là tâm điểm, ở vườn Giết-xê-ma-ni, Người đã chuyển hóa chứ không chuyển giao các cám dỗ này. Đức Giêsu không đơn giản đáp trả theo kiểu để năng lượng tự tuôn chảy qua con người mình. Người làm tinh khiết năng lượng ấy, ngấm các căng thẳng và tội lỗi vào lòng. Người trả bằng máu, sự sống và danh tiếng của mình. Người đã phải đổ mồ hôi máu, nhưng trong vườn Giết-xê-ma-ni, người đích thực là người yêu đánh đổi tất cả để đem lại hòa hợp cho căng thẳng, thứ tha cho tội lỗi, ngấm hết vào mình căng thẳng và tội lỗi, đem chúng ra khỏi cộng đoàn. Mồ hôi máu đổ ra theo cách như vậy thật sự đã rửa sạch tội lỗi con người.

Và, Đức Giêsu làm như vậy không phải để chúng ta khâm phục nhưng để chúng ta noi gương Ngài. Vườn Giết-xê-ma-ni mời gọi mỗi người chúng ta bước vào và lớn mạnh lên. Mời gọi chúng ta đổ mồ hôi máu của người yêu, ngấm giữ vào lòng, làm thanh khiết, chuyển hóa căng thẳng và tội lỗi chứ không đơn giản chuyển chúng đi.


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(The Agony in the Garden - The Place of Transformation, 2004)

Thursday, April 14, 2011

37. Chúa không phán xét ai



Có một câu hỏi lâu đời về lòng nhân lành của Chúa, nó lâu đời cũng như tôn giáo chúng ta: Làm sao một Thiên Chúa toàn thiện lại có thể đày người nào đó xuống hỏa ngục muôn đời? Làm sao Thiên Chúa đầy yêu thương và độ lượng mà lại có hình phạt đời đời?

Đó là một câu hỏi sai. Thiên Chúa không đày bất cứ ai xuống hỏa ngục và Thiên Chúa cũng không tạo ra hình phạt đời đời. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống và lựa chọn thuộc về chúng ta để đón nhận hay từ chối nó.

Đức Giê-su nói cho chúng ta biết Thiên Chúa không phán xét bất cứ ai. Chỉ có chúng ta mới phán xét nhau. Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và  cũng không đày ai xuống hỏa ngục. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa hỏa ngục không tồn tại và nó không phải là một khả thể cho chúng ta. Điều cốt yếu là cách Đức Giê-su giải thích chuyện này ở đây:

Thiên Chúa ban sự sống của Ngài cho thế gian và chúng ta có thể chọn lựa sự sống này hoặc từ chối nó. Chúng ta tự phán xét mình trong hành động chọn lựa đó. Nếu chọn sự sống, thì cuối cùng chúng ta sẽ chọn thiên đàng. Nếu từ chối sự sống, thì chúng ta chết mà vẫn ở bên ngoài sự sống và cuối cùng đó là hỏa ngục. Nhưng sự lựa chọn thuộc về chúng ta, Thiên Chúa không đày chúng ta đi đâu cả. Hơn thế, hỏa ngục không phải là một hình phạt tích cực Thiên Chúa tạo ra để bắt chúng ta phải chịu. Hỏa ngục là sự vắng mặt của một điều gì đó, ấy là, sống trong lòng sự sống dành sẵn cho chúng ta.

Nói lên tất cả điều này không phải là để nói không có hỏa ngục, hoặc hỏa ngục không phải là một khả thể có thật cho mọi người. Hỏa ngục là có thật, nhưng nó không phải là một hình phạt tích cực Chúa tạo ra để thực thi công lý, trừng trị cái ác hay trừng phạt người cứng lòng không biết ăn năn khi phạm lỗi. Hỏa ngục là sự vắng mặt của sự sống, tình yêu, sự tha thứ, cộng đoàn, và Chúa không đày bất cứ ai vào đó cả. Chúng ta có thể kết thúc ở đó, bên ngoài tình yêu và cộng đoàn, nhưng đó là sự lựa chọn của chúng ta nếu chúng ta, một cách đáng trách, đã từ chối nó khi tất cả đều dành sẵn cho chúng ta ngay trong cuộc đời này. Hỏa ngục, như John Shea từng nói, không bao giờ là một sự bất ngờ phục chờ ai đó đang hạnh phúc, nó là biểu hiện rõ ràng nhất của một cuộc đời từ chối tình yêu, sự tha thứ, và cộng đoàn.

Triết gia Jean Paul Sartre từng phát biểu câu nói nổi tiếng, hỏa ngục chính là người khác. Nói ngược lại cũng đúng. Hỏa ngục là những gì chúng ta trải qua khi đặt bản thân mình lên trên cộng đoàn đời sống với người khác. Đời sống con người có nghĩa là chia sẻ đời sống, chia sẻ hiện hữu, góp phần của mình vào trong cộng đoàn đời sống, đời sống bao gồm Ba Ngôi Một Thể.

Kinh Thánh nói, Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở lại trong tình yêu, thì người ấy ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng ở lại trong họ. Trong bối cảnh này, không nên hiểu tình yêu như kiểu tình yêu lãng mạn. Bản văn không nói ai rơi vào lưới tình thì đều ở lại trong Thiên Chúa (dù điều này cũng có thể đúng). Thật sự, bản văn này có thể được nói như sau: Thiên Chúa là hiện thân của sự chia sẻ, và ai chia sẻ đời sống mình với người khác, người ấy sống trong sự sống của Thiên Chúa.

Nhưng ngược lại cũng đúng. Khi chúng ta không chia sẻ đời sống mình với người khác, chúng ta kết thúc đời sống mình ở bên ngoài sự sống. Đó, thật sự, chính là hỏa ngục.

Hỏa ngục là gì? Các hình ảnh trong Kinh Thánh nói về hỏa ngục không cố định và liên tục thay đổi. Chung chung có khuynh hướng hình dung hỏa ngục là lửa, lò lửa cháy không bao giờ tắt, nhưng đó chỉ là một hình ảnh, và nó không nhất thiết là hình ảnh nổi trội trong Kinh Thánh. Trong các điều được nói đến, Kinh Thánh nói về hỏa ngục như là nơi gánh chịu cơn phẫn nộ của Thiên Chúa, như ở ngoài tiệc cưới và lễ hội, nơi tang tóc, khóc lóc và nghiến răng, nơi giống như thung lũng Gehenna (chứa rác bên ngoài thành Giêrusalem), nơi bị giòi bọ rúc rỉa, như là lửa, như hụt buổi dạ tiệc, như ở bên ngoài nước trời, như sống với quả tim đau đớn bị bóp méo, như đang hụt sự sống. Cuối cùng, tất cả những hình ảnh này đều nhắm đến một điểm chung: Hỏa ngục là nỗi đau và cay đắng, thứ lửa, chúng ta phải chịu khi, một cách đáng trách, chúng ta đã đặt bản thân mình ra ngoài cộng đoàn đời sống. Và luôn luôn nó do tự mình làm khổ mình. Thiên Chúa không bao giờ áp đặt nó trên chúng ta cả. Thiên Chúa không ban sự chết chóc và đày ai xuống hỏa ngục.

Khi Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, Người không bao giờ nói Thiên Chúa ban cả sự sống và sự chết, Người chỉ nói Thiên Chúa ban sự sống mà thôi. Sự chết có nhiều nguyên nhân, từ việc nói dối, hợp lý hóa, cay chua gắt gỏng, cứng lòng, và hỏa ngục. Khi nói Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và đày bất cứ ai vào đó thì không có ý phủ nhận sự tồn tại của cái ác, tội lỗi và nguy cơ của hình phạt đời đời, điều này chỉ nhằm xác định các căn nguyên và làm rõ đó là ai, ai hay phán xét, ai hay kết án. Thiên Chúa thì không; Ngài không tạo ra hỏa ngục cũng không đày ai vào đó cả. Chúng ta thì làm cả hai.

Như Đức Giê-su nói trong Phúc Âm thánh Gio-an: Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin vào Người Con thì người đó không bị luận phạt; ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Và đây là án phạt, sự sáng đã đến với thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng. Ta không phán xét ai cả.
Người không cần phán xét.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(God Judges No One, 2009)

Wednesday, April 13, 2011

36. Sự giàu có của Thiên Chúa là lời mời gọi cho lòng quảng đại



Mặt trời hào phóng một cách lạ thường, không giây phút nào là nó không chiếu sáng nhất.

Các nhà khoa học cho biết, bên trong mặt trời, cứ mỗi giây có một tỉ lệ tương đương với bốn triệu con voi được chuyển hóa thành ánh sáng, một thứ quà tặng chỉ biết cho đi, không bao giờ biết nhận lại. Mặt trời vẫn tiếp tục đốt cháy nó. Nếu sự hào phóng này ngừng lại, đương nhiên tất cả năng lượng sẽ mất nguồn cung cấp, mọi sự sẽ chết và bất động. Chúng ta, và mọi vật trên hành tinh này, sống được là nhờ sự hào phóng của mặt trời.

Trong sự hào phóng này, mặt trời phản ánh sự giàu có của Thiên Chúa, một sự hào phóng mời gọi chúng ta cũng trở nên hào phóng theo, mở rộng quả tim, dấn thân nhiều hơn để tận hiến bản thân mình trong công việc hy sinh, để làm chứng nhân cho sự giàu có của Thiên Chúa.

Nhưng điều này không dễ. Một cách bản năng, chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là tích trử và để dành để cho cuộc sống được an toàn. Bản chất chúng ta là sợ và sống chùm với nhau. Vì vậy, dù nghèo hay không, chúng ta đều có cảm nhận thiếu thốn, luôn luôn sợ mình không có đủ, và vì không có đủ, chúng ta phải cẩn thận khi cho, chúng ta không thể quá hào phóng được.

Nhưng Thiên Chúa làm ngược lại với điều tự nhiên trên. Thiên Chúa rộng rãi, giàu có, quảng đại, và hào phóng vượt ra ngoài những lo sợ và tưởng tượng nhỏ nhoi của chúng ta. Vũ trụ của Thiên Chúa quá phong phú và phi thường. Kích thước của vũ trụ, chỉ tính riêng về những gì con người đã khám phá, cũng đã là không tưởng tượng nổi. Quá dồi dào và hào phóng là đặc nét của Thiên Chúa.

Chúng ta thấy điều này qua dụ ngôn Người gieo giống trong Kinh Thánh: Người gieo giống, đại diện cho Thiên Chúa, người mà Đức Giê-su mô tả, không phải là người  tính toán, gieo cẩn thận và chỉ gieo ở những mảnh đất màu mỡ. Người gieo giống này gieo không phân biệt nơi gieo: bên vệ đường, trong bụi gai, trên đá, nơi mảnh đất cằn cỗi, cũng như nơi tốt tươi. Hình như ông quá dư hạt giống nên có thể nói cách gieo giống của ông xuất phát từ tính hào phóng của sự dồi dào hơn là tính thận trọng của sự thiếu thốn. Chúng ta cũng thấy sự giàu có này trong dụ ngôn người làm công vườn nho, gia chủ, đại diện cho Thiên Chúa, trả công đồng đều cho tất cả người làm công, không phân biệt ai trước ai sau. Thiên Chúa, như chúng ta biết, giàu có vô hạn và không bao giờ tính toán chi ly trong việc ban phát.

Thiên Chúa cũng rộng rãi và quảng đại khi tha thứ, như chúng ta thấy trong các phúc âm. Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, người cha tha cho người con hoang đàng, ông cho vượt lên sự giàu có của ông, nhiều khi sự giàu có này làm cho nhân phẩm bị mất vì quá tính toán cho mình. Chúng ta cũng thấy sự rộng rãi này nơi Đức Giê-su khi Người tha thứ cho kẻ hành hình cũng như tất cả những ai bỏ Người trong cuộc thương khó.

Qua những gì chúng ta thấy, Thiên Chúa quá giàu tình yêu, quá giàu lòng thương xót nên Ngài mới phung phí, quá quảng đại, không tính toán, không kỳ thị, dám nhận bất trắc, và có quả tim rộng lượng vượt quá trí tưởng tượng chúng ta.

Và đó là lời mời gọi: Để có được một khái niệm về sự giàu có của Thiên Chúa, một giàu có dám nhận bất trắc, chúng ta cần có một quả tim luôn rộng mở và một lòng quảng đại vượt lên trên bản năng sợ hãi, bản năng làm chúng ta nghĩ rằng, chỉ vì chúng ta không có đủ nên cần tính toán chi ly nhiều hơn.

Trong tất cả các phúc âm, phúc âm thánh Lu-ca chứa đựng một trong những sứ điệp mạnh mẽ nhất về đức công bình (cứ sáu hàng là có một thách thức trực tiếp với đức công bình đối với người nghèo) nhưng tuy thế, trong phúc âm thánh Lu-ca, Đức Giê-su vẫn nhắc nhở về mối hiểm nguy của giàu có, Ngài không bao giờ lên án sự giàu có hay người giàu có. Hơn thế Người phân biệt sự giàu có quảng đại và giàu có bủn xỉn. Người giàu có quảng đại tốt lành vì họ tỏa ra và hiện thân cho sự giàu có và lòng quảng đại của Thiên Chúa trong khi  người giàu có bủn xỉn không tốt bởi vì họ đưa ra một hình ảnh sai lầm về sự giàu có, quảng đại, và quả tim rộng lớn của Thiên Chúa.

Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta đong đấu nào sẽ nhận lại đấu đó. Điểm chính là nói lên rằng không khí chúng ta thở ra là không khí chúng ta hít vào. Điều đó không chỉ đúng về mặt sinh thái học mà nó còn đúng cho mọi khía cạnh chung của cuộc sống. Nếu chúng ta thở ra sự bủn xỉn, chúng ta sẽ hít vào sự bủn xỉn; nếu chúng ta thở ra tính nhỏ nhen, chúng ta sẽ hít vào tính nhỏ nhen; nếu chúng ta thở ra sự gắt gỏng cay chua, chúng ta cũng sẽ hít vào sự gắt gỏng cay chua đó; và nếu chúng ta thở ra sự thiếu thốn khiến chúng ta tính toán và dè dặt, thì sự toán tính và dè dặt đó sẽ là không khí chúng ta hít vào. Nhưng, nếu nhận thức được sự giàu có của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thở ra lòng quảng đại và bao dung, và khi đó chúng ta sẽ hít  không khí quảng đại và bao dung vào. Chúng ta hít vào những gì chúng ta thở ra.

Tôi chưa bao giờ gặp ai thật sự có lòng quảng đại mà họ lại không nói rằng, lúc nào họ cũng nhận được nhiều hơn cho. Và tôi cũng chưa bao giờ gặp một ai thật sự có quả tim rộng rãi mà lại sống trong cảm nhận mình thiếu thốn. Để có lòng quảng đại và quả tim rộng mở thì trước hết chúng ta phải tin vào sự giàu có và lòng quảng đại của Thiên Chúa.

Nhờ sự giàu có của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được ánh sáng mặt trời, một vũ trụ lớn lao hào phóng vượt sức tưởng tượng của loài người. Đó không phải chỉ là thử thách cho tinh thần và trí tưởng tượng, nhưng đặc biệt là thử thách cho quả tim, để nó trở nên giàu có và quảng đại hơn.

Fr Ron Rolheiser, OMI
(The Abundance of God as an Invitation to Generosity, 2009)