Thursday, March 31, 2011

23. Trở Về

Nói trở về là nói tới mình đang ở xa. Xa nhà, nay tôi trở về. Cái khoảng cách không gian cho ta cảm tưởng rõ ràng một sự cách biệt.

Khi định nghĩa trở về trong ý nghĩa thiêng liêng, ta thấy khó hơn. Thí dụ, nói tôi trở về với Chúa. Cái khoảng cách giữa tôi và Chúa không biết ngắn hay dài. Lấy gì để mà đo. Nếu xét rằng tôi không phạm tội nặng, tôi vẫn đi lễ thì dường như tôi không xa Chúa. Tôi không cần đặt vấn đề trở về.

Ðọc dụ ngôn con chiên lạc, ta thấy ngay là con chiên đó xa đàn. Hình ảnh Chúa đi tìm làm ta thấy con chiên này cần trở về. So sánh mình với người khác, ta thấy có người bỏ nhà thờ, có người có đời sống tội lỗi công khai. Như thế, họ cần trở về hơn mình. Tuy nhiên, đọc kỹ đoạn Tin Mừng, ta thấy sự trở về có thể là cần thiết cho chính những con chiên không bỏ đàn đi, không bỏ nhà thờ, vẫn ở trong nhà thờ.

Bản văn không nói rõ lý do nào làm con chiên đã lạc đàn. Dụ ngôn chỉ nói "Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con" (Lc. 15: 4). Nguyên do nào làm nó lạc? Ta thấy có hai nguyên nhân. Một là nó bỏ đàn đi vì lầm lỡ đồi cỏ dại là hạnh phúc. Có thể nó bỏ đàn đi vì theo chủ thì dài và vắng vẻ, nó thích tiếng ca của bầy chồn hơn. Có thể trên những quãng đời nắng khát hạnh phúc nó đã bị giọng nói tinh vi của Satan lừa gạt. Lý do thứ nhất này nó sa ngã vì những cám dỗ.

Giữa những nguyên nhân lạc xa đàn, có khi nào nó bỏ đàn vì những con chiên khác trong đàn? Nghĩa là vì sự kết án, chia rẽ, phe nhóm ngay trong xứ đạo. Từ những nguyên nhân này làm con chiên tách xa đàn, rồi mới đi tới lạc đàn. Lý do thứ hai này là điều ta thử tìm hiểu.

Nhìn vào lịch sử, vết thương buồn vẫn còn là dấu chứng: Ðã bao lần chúng ta kết án nhau! Trong tiến trình ý thức về tội, Adam bảo tại Evà mà ông ta phạm tội. Evà bảo tại con rắn mà bà sa ngã (Stk. 3: 12-13). Không ai có nước mắt ăn năn. Không ai nhận rằng tôi phải trở về. Chỉ có kẻ khác phải trở về.

Hôm nay, trong đời sống thiêng liêng, có những linh hồn cũng đã phải xa xứ đạo của mình vì sự mất bình an giữa cộng đoàn tín hữu của họ. Nơi đây không phải là nhà. Nơi đây chẳng có lý tưởng. Có người phải sống mặc cảm dưới cái nhìn rẻ rúng của những kẻ chung quanh. Những tiếng xầm xì về một lỗi lầm của quá khứ. Những nghi kỵ về một xét đoán mù mờ, những thêu dệt về một sự thật không đúng sự thật. Có những góp ý xây dựng những đổ vỡ, nhưng lại đề cập đến khuyết điểm của kẻ khác để vì cái khuyết điểm ấy mà mình được nổi hơn. Có những cạnh tranh vì tháp nhà thờ mình phải cao hơn tháp nhà thờ bên cạnh. Có nhiều cuộc phải lên đường trở về vì có nhiều thứ xa Chúa. Mà xa Chúa nhất là xa Chúa ở trong đền thờ.

* * *

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm (Yn. 8:1-11) cũng là câu chuyện của bao nhiêu cánh cửa tâm hồn khắc nghiệt với nhau hôm nay. Lạc lối buồn bã nhất là ảo tưởng tiên tri thấy mình phải chỉ lối cho người lạc lối. Vì phải đi tìm chiên lạc nên không thấy mình lạc. Ðó là thái độ của các Biệt Phái. Chúa rộng lượng thứ tha. Ngài nâng lên cây sậy bị dập. Ngài che đậy ngọn đèn sắp tắt. Nhưng con người đối với nhau lại khắc nghiệt. Người thiếu nữ ngoại tình ấy đi tìm một miền đất để sống. Chẳng còn vùng trời nào khác ngoài sự đau khổ. Vì gian truân nên muốn đến với Chúa, cửa nhà thờ mở ngõ nhưng cửa tâm hồn người coi nhà thờ khắc nghiệt.

Có những tâm hồn vì yếu đuối đã sa ngã, Chúa thương băng bó vết thương, nhưng người chung quanh không để cho lành. Người phụ nữ ấy bơ vơ, muốn đến giáo đường tìm Chúa mà phải đến lén sợ người trong Giáo Hội trông thấy. Câu chuyện của Tin Mừng năm xưa cũng chưa phải là phai nhòa trong đời sống chúng ta hôm nay.

Có cha mẹ hắt hủi con mình, người trong gia tộc miệt thị nhau, giai cấp trong đạo lên án chỉ vì cây sậy đã bị dập, ngọn đèn đã leo lét. Ra đi tìm một miền đất sống, nhưng im lặng của các tâm hồn đó đã dọn đường trở về với Chúa rồi. Những đau khổ họ phải chịu vì người anh em mình đã nặng hơn lỗi lầm họ phạm. Vì thế, khi họ phải bỏ xứ đạo ra đi, trốn khỏi gia đình, quãng đường xa ấy biết đâu lại rất gần Chúa.

Vào một giã từ không tiếng nói. Thất vọng vì bị kết án. Chán nản trong một họ đạo đố kỵ. Lặng lẽ, một tín hữu nào đó bỏ nhà thờ. Trong đêm mờ tối ấy, đời họ chìm sâu hơn trong tội lỗi có khi chỉ vì muốn tránh những nhánh gai trong vườn gia đình, xứ đạo mình quá sắc.

Có những lỗi chung thủy đến từ người mà mình đã rất thuỷ chung. Có những đau khổ mình phải chịu đến từ người mà mình đã chịu khổ đau cho. Có những hố thẳm mà người cùng một lý tưởng tông đồ đào cho nhau. Có những vực sâu trước nhà thờ.

Khi Ðức Kitô hỏi các Ký Lục và Biệt Phái ai là người trong họ vô tội mà đòi ném đá người phụ nữ. Tất cả họ từ từ rút lui (Yn. 8:7-9). Kẻ cần phải trở về là chính người không đi xa, đang ở ngay trong đền thờ.

* * *

Lạy Chúa, nếu con không phải là con chiên lạc, là kẻ trong đàn nhưng đã là nguyên cớ làm cho tâm hồn khác xa đàn, thì, lạy Chúa, sự có mặt của con trong đàn có khi còn nguy hiểm hơn là vắng mặt. Vì sự có mặt ấy mà bao nhiêu người phải vắng mặt. Nếu vậy, lạc lối trong hồn con còn xa xôi hơn nữa. Con cần phải trở về biết bao. Con đã xa cách Giáo Hội khi con ở trong đền thờ.

Khi con bỏ đền thờ thì con biết mình xa nơi thánh. Khi con ở trong đền thờ mà làm cho người khác phải ra đi thì khó mà nhận ra là sự thánh thiện đã xa mình.

Khi phạm tội thì có thể con biết mình xa Chúa, nhưng khi làm cho người khác xa Chúa thì khó mà biết mình phạm tội.


Lm Nguyễn Trọng Tước
(Con Biết Con Cần Chúa, 1997)

Wednesday, March 30, 2011

22. Clapton, Nhạc Blues và Sự Hoán Cải

Gần đây có mấy người bạn tặng tôi cuốn tự truyện của Eric Clapton (Tự truyện Eric Clapton, nhà xuất bản Random, New York, 2007). Tôi thường tránh tự truyện của những người giàu có và nổi tiếng, nhưng câu chuyện của Clapton làm tôi chú ý. Eric Clapton có lẽ là nghệ sĩ ghi-ta nổi tiếng nhất của dòng nhạc blues trên thế giới; tôi là người ái mộ ông lâu năm nhưng lại chưa biết gì về ông. Vì thế tôi nhận cuốn sách liền.

Tôi đã không thất vọng. Cuốn sách giúp tôi hiểu được những gì nằm sâu bên trong thế giới nhạc rock; nhưng quan trọng hơn, Clapton kể câu chuyện của ông bằng một sự hiểu biết tuyệt vời và với tấm lòng khiêm tốn khiến người khác không gịân được. Đây không phải là một cuốn tự truyện rẻ tiền dùng để đánh bóng tên tuổi, nhưng là câu chuyện về nghệ thuật, tuổi trẻ, thao thức, tìm kiếm, rồi sa sút, gần đi tới thảm họa, và rồi hoán cải. Cái thật sự gây chú ý nằm ở yếu tố cuối cùng, vì như Heather King đã nói, tội lỗi không đáng quan tâm, nhưng chính là hoán cải.

Người hâm mộ Clapton sẽ không thất vọng khi biết ông nghiêm túc với nghệ thuật của mình như thế nào. Trong suốt toàn bộ sự nghiệp, mặc dù tâm trí rối bời do những chuyện khác, nhưng ông luôn rõ ràng, chuyên tâm với nghệ thuật của mình, nhạc blues, sẵn lòng dứt bỏ danh tiếng và tiền bạc vì nghệ thuật. Đối với ông, nghệ thuật là trong sáng, một điều gì đó gần giống với Thiên Chúa, có nghĩa là luôn luôn tinh khiết. Lời của Clapton: “Đối với tôi, âm nhạc luôn luôn là phương tiện đáng tin cậy nhất để truyền tải một cái gì thuộc chiều kích thiêng liêng. Nó không thể bị điều khiển, hoặc bị chính trị hóa, và khi âm nhạc là chính nó, ngay lập tức nó trở nên rõ ràng.» 

Đó là lời của một nghệ sĩ chân chính, tuy nhiên cuộc chiến đấu thực sự của ông không bao giờ là với nghệ thuật cả, nhưng là với những nổi ám ảnh, những cơn nghiện, cái tôi, và tính điềm tĩnh.

Thành công sớm đến với Clapton, và thế giới của Rock’n Roll đã làm ông ngập chìm trong một nền văn hóa của rượu, ma túy và lối sống buông thả. Ông đã sớm nghiện ngập; hầu như mọi thứ trong cuộc sống của ông, ngoài âm nhạc, đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cuối cùng ơn lành đã đến với Clapton trong lần thứ hai ông đến trung tâm cai nghiện, ông tìm thấy ân sủng và có được tâm hồn điềm tĩnh. Đây là lời của ông:

“Tuy thế, ở trung tâm điều trị lần này, tôi vẫn tiếp tục những suy nghĩ sai lầm như lần trước: chỉ là để đánh dấu thời gian trôi qua và hy vọng một điều gì đó sẽ tự thay đổi trong tôi và tôi không cần phải làm gì để thay đổi nó cả. Rồi một ngày, sau khi hết thời hạn ở trung tâm, một nỗi hoang mang ập vào lòng tôi, và tôi nhận ra rằng thật sự chẳng có gì biến chuyển trong tôi cả và rằng tôi sắp trở lại cuộc sống như trước trong tâm trạng không có gì an toàn hết. Luôn luôn có một tiếng ồn làm tôi nhức óc, khỏa lấp những ý nghĩ của tôi. Nó làm tôi bàng hoàng khi nhận ra mình đang ở đây, trong một trung tâm điều trị, một môi trường được cho là an toàn, và tôi đang lâm vào một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Tôi hoàn toàn kinh hãi và thất vọng.

Vào khoảnh khắc đó, chân tôi không đứng vững và tôi quỵ gối xuống. Trong căn phòng riêng, tôi cầu xin được trợ giúp. Tôi không hình dung ra được người mà tôi đang nói chuyện, tôi chỉ biết rằng trước đó tôi đã kiệt sức, chẳng còn sức lực để chiến đấu với bất cứ thứ gì. Khi đó tôi nhớ lại tôi đã nghe người ta nói về quy phục, cái mà tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ có, lòng kiêu hãnh không cho phép tôi làm như vậy; nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không làm điều đó một mình, tôi cầu xin được trợ giúp, tôi quỳ xuống và quy phục.

Trong một vài ngày, tôi nhận ra một điều gì đó đã biến chuyển trong tôi. Người vô thần có thể sẽ nói đó là sự thay đổi về thái độ, và trong chừng mực nào đó, nó hoàn toàn đúng, nhưng còn nhiều hơn thế nữa, tôi đã tìm thấy một nơi chốn để quay về, một nơi tôi đã luôn luôn biết tới nhưng tôi đã không thật sự mong muốn và cần tới để tin tưởng.

Từ ngày đó cho tới bây giờ tôi không bao giờ bỏ kinh sáng, tôi quỳ gối và cầu xin được trợ giúp; buổi tối, tôi cám ơn về cuộc sống của tôi, về tâm trạng điềm tĩnh của tôi, về tất cả mọi thứ tôi nhận được. Tôi chọn quỳ xuống bởi vì tôi cảm thấy tôi cần phải tự hạ mình khi cầu nguyện và đây là điều tốt nhất tôi có thể làm với cái tôi của mình.

Nếu bạn hỏi tôi tại sao tôi lại làm tất cả vì điều này, tôi sẽ bảo với bạn vì nó tốt đẹp, đơn giản như vậy. Lúc này đây, tôi đã hoàn toàn nghiêm chỉnh, tôi sẽ không bao giờ một lần nữa nghĩ đến việc dùng rượu hay ma túy... Trong một phương cách nào đó, một hình thức nào đó, Thiên Chúa của tôi vẫn luôn hiện diện ở đó, song giờ đây tôi đang học nói chuyện với Người.”

“Bạn không bao giờ trưởng thành hơn nếu bạn không biết quỳ gối và cúi đầu khiêm nhường trước một điều gì đó lớn hơn cái tôi của bạn.”

Tôi đã đọc được những dòng này trong một cuốn sách giáo lý vấn đáp khi tôi còn là một cậu bé và khi đó tôi hiểu rằng chúng chứa đựng một chân lý mãi mãi cần được khẳng định trước niềm kiêu hãnh của con người. Cha Pierre Teilhard de Chardin cũng có nói một điều tương tự. Vào một lúc nào đó trong cuộc đời bạn, cha nói, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chỉ có hai lựa chọn: quỳ gối trước một điều gì đó lớn hơn cái tôi của bạn, hoặc bắt đầu tự hủy hoại.

Và tôi nghĩ Clapton cũng đồng ý.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(Clapton, Blues and Conversion, 2004)

21. Cuộc chiến đấu đạo đức đích thật của chúng ta

“Quả tim có những lý lẽ riêng của nó!”

Triết gia Pascal đã viết như vậy, câu này giải thích lý do tại sao cảm xúc và hành vi của chúng ta thường là huyền bí ngay cả với chúng ta: “Tại sao tôi lại cảm nhận theo chiều hướng này?” “Tại sao lúc này đây tôi quá bồn chồn?” “Tại sao tôi lại giận mà đáng lẽ tôi phải thương?” “Tại sao tôi quá căng thẳng trong buổi họp này?” “Tại sao tôi lại ghen tương, lạnh lùng, cay đắng, hay ám ảnh như thế này?

Quả tim có những lý lẽ riêng của nó và không phải lúc nào chúng ta cũng biết được các lý lẽ này. Phần nào đó quả tim lại kiêu hãnh vì tính phức tạp day dứt của nó. Chúng ta có quả tim kiêu hãnh (vì những lý do tốt). Cũng vì tính tính kiêu hãnh này, mà chúng ta rất gần với các thái độ tự biện minh, bàng quan, lạnh lùng, phản bác, ngờ vực, và cuồng hoảng. Một khinh suất rất nhỏ cũng đủ gây phản ứng rất mạnh, khiến các cánh cửa trong lòng chúng ta nhanh chóng khép kín lại.

Ai cũng dễ dàng thấy chuyện này diễn ra như sau: Chỉ cần bị đe dọa một chút, ngay lập tức các cánh cửa từng mở ra liền đóng kín lại, chúng ta cảm thấy có nhu cầu tự vệ, cảnh giác với ai đó, trở nên dửng dưng, bàng quan, thờ ơ, và làm như chú ý đến những việc khác quan trọng hơn. Đâu rồi mới đây thôi chúng ta còn nồng ấm, mềm mỏng, dịu dàng, tin tưởng, muốn được chia sẻ, còn giờ đây thì lạnh lùng, chai cứng, ngờ vực, miễn cưỡng chia sẻ chia bất cứ gì chỉ ở bề mặt.
Kinh Thánh gọi tên sự việc này là, “cứng lòng.”

Đi đâu Đức Giê-su cũng cảnh báo điều này. Ví dụ:

Người lý tưởng hóa trẻ con, cảnh cáo nguy cơ của việc không tiếp đón trẻ con, kêu gọi người lớn trở nên giống trẻ con, và Người đặt tay lên chúng. Các học giả Kinh Thánh cho biết hành động đặt tay lên trẻ con của Đức Giê-su mang nhiều ý nghĩa, chứ không phải chỉ là tình cảm đơn thuần. Đặt tay là thụ phong, là giao sứ mệnh. Đối với Đức Giê-su, trẻ con là “những nhà truyền giáo,” chúng vén mở cho mọi người thấy ơn gọi tông đồ cốt ở việc có quả tim chưa bị chai cứng, quả tim vẫn còn tin tưởng, mềm yếu, và nồng ấm. Tất cả chúng ta đều khởi đi từ đó, nhưng các tổn thương đã làm chúng ta chai cứng. Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở về lại với điểm ban đầu, lúc quả tim chưa chai cứng.

Đức Giê-su cũng giảng dạy điều này khi Người nói về ly dị. Có một tình tiết trong Phúc Âm chưa được hiểu thấu đáo, đoạn những người biệt phái và kỳ mục hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ? (Có nghĩa: Thiên Chúa nhìn vấn đề ly dị như thế nào?”)

Thay vì trả lời, Đức Giê-su hỏi lại: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời ông Môsê cho phép người đàn ông có thể ly dị vợ. Đức Giê-su dùng ngay câu trả lời của họ như cái đà để dạy họ một điều sâu đậm hơn. Người nói chính vì “lòng dạ chai đá” của họ nên ông Môsê mới cho phép như vậy, nhưng khởi thủy, trước khi phạm tội, kế hoạch tạo dựng của Chúa về mặt thể lý, con người bằng xương bằng thịt; tình dục nối kết người đàn ông đàn bà phản ảnh một kết hợp về tinh thần giữa hai người, trong đó khái niệm ly dị là xa lạ. Kết hợp bằng xương thịt phản ảnh những gì xảy ra trong lòng Thiên Chúa, một kết hợp trọn vẹn của người đàn ông đàn bà, một quan hệ hổ tương trọn vẹn được phép. Loại kết hợp này không bao giờ được bẻ gãy.

Ly dị, Đức Giê-su cho chúng ta biết, là một thực tế, không dính đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng nằm trong thực tế cay đắng của thế giới và các thực tế này làm chai cứng quả tim chúng ta, nhiều lúc nó làm cho chúng ta không thể nào không có các quan hệ không rắc rối.

Những gì Đức Giê-su muốn nói trong giáo huấn này là mời gọi chúng ta quay trở về, về lại nguyên thủy, lúc chưa sa ngã, lúc quả tim chưa bị chai cứng, lúc còn trẻ con, và, từ điểm xuất phát đó, cố gắng giải đáp cho mình câu hỏi Thiên Chúa cảm nhận như thế nào về ly dị và sự đứt gãy các mối quan hệ. Đây không phải là một việc dễ dàng.

Trong đời tôi, tôi dự nhiều buổi gặp gỡ. Tôi luôn luôn gặp những người tốt, thành thật, tận tâm. Tôi luôn luôn gặp một bầu khí chia sẻ đức tin, cầu nguyện, và quan tâm lẫn nhau. Tuy nhiên thỉnh thoảng ở những buổi gặp gỡ này, tính tình và giọng điệu của mọi người bỗng đột ngột thay đổi. Một khinh suất rất nhỏ, một chọc giận vô tình, một hiểu lầm nho nhỏ, một lòng biết ơn không biểu lộ ra, một bình phẩm không đúng, hay chỉ là vì ai đó đang khó ở, cũng có thể gây ra bầu khí lạnh lùng, mất lòng tin, gay gắt, và mọi người đột nhiên thấy cần phải tự vệ, bầu khí trở nên dè chừng và chia tách, không còn nồng ấm và chia sẻ thành thật nữa.

Và nó liên hệ với một trong những cuộc chiến đấu đạo đức lớn nhất của chúng ta: Giữ một quả tim dịu dàng, ấm áp, tin tưởng, giống như Pascal nói, quả tim có những lý lẽ riêng của nó khi muốn lạnh lùng và tách biệt để tự vệ. Tuy nhiên khả năng để cự lại thôi thúc này, để không thành lạnh lùng, không khép mình, thì, tôi tin, đó là dấu hiệu đích thực của một trình độ trưởng thành và ngay cả trưởng thành về mặt đức tin. Chính điều này là đặc nét của người yêu thương cao cả.
Như chúng ta biết, đa số chúng ta không ở đó, không một ai trong chúng ta. Chúng ta vẫn quá thường xuyên dè chừng, dửng dưng, tự vệ, thiên về khía cạnh tiêu cực của nó gây ra. Tuy nhiên, cũng là điều tốt khi nhận đó là nơi chốn đổ vỡ, một chỗ khiêm tốn. Nơi đó mỗi ngày chúng ta được mời gọi, làm lại một bước khởi đầu mới.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(Our Real Moral Struggle, 2006)

Monday, March 28, 2011

20. Lòng trung thành lớn nhất của chúng ta

Cha Ronald Knox trong một bài giảng về Thánh Thể đã có nhận xét: Suốt quá trình hai ngàn năm lịch sử Kitô-hữu, cả toàn Giáo Hội cũng như tín hữu đã luôn luôn làm ngơ đến cốt lõi các lời kêu gọi và điều răn của Chúa Giêsu. Cách này cách khác, chúng ta hoặc quá yếu để đi theo lời dạy của Người hoặc quá phân tích lý luận để không đi theo Người.

Và như thế, trên một tầm mức rộng lớn, chính chúng ta cũng không áp dụng yêu kẻ thù như mình, đưa má kia cho người khác đánh tiếp, tha thứ 70 lần 7, rời bàn thờ về làm hòa với người anh em trước khi dâng của lễ, đặt công chính cùng tầm với thờ phượng, lòng trắc ẩn quan trọng hơn giáo điều, không lấy vợ chồng người, không cắp của người, không nói dối, không nói người khác ngu, không sa chước ghen tương. Trong một vài lãnh vực, cá nhân và tập thể, chúng ta thật sự đã không trung tín và quá phân tích lý luận.

Nhưng đa số chúng ta trung thành và kiên định qua bao nhiêu năm tháng theo các điều răn Chúa dạy, cữ hành Thánh Thể, trong mỗi dịp gặp nhau, chia sẻ Lời Chúa, cùng bẻ bánh và uống rượu để nhớ đến Người.

Càng về già, việc này càng rõ và càng có ý nghĩa hơn đối với tôi, cả hai mặt giáo hội và cá nhân tôi.

Trong chừng mực có thể, tôi dâng lễ mỗi ngày, tôi có nhiều lý do để dâng thánh lễ. Thánh Thể bao gồm và thực hiện nhiều thực tế sâu thẳm: Giúp thể hiện việc Chúa nhập thể trong giòng lịch sử, được ôm Chúa vào lòng, tình cộng đoàn ki-tô sâu đậm, lương thực man-na nuôi dưỡng, bữa ăn gia đình của tín hữu, tưởng niệm việc Chúa hy sinh cho nhân loại, món quà hòa giải và thứ tha của Chúa, mời gọi làm tông đồ sâu đậm hơn, buổi tiệc mở ra cho người nghèo, canh thức chờ Chúa Giêsu trở lại, và là lời cầu nguyện hàng tư tế của Chúa Giêsu cho nhân loại.

Nhưng tôi cũng dâng lễ vì nhiều lý do khác, riêng tư hơn: Đó là nơi duy nhất tôi tỏ lòng trung tín, là nơi cơ bản tôi được nâng cao. Tôi không thể nào kiềm chế cách tôi cảm nhận hoặc cách tôi suy nghĩ và tôi không thể lúc nào cũng ở tầm cao về mặt đạo đức và thiêng liêng, nhưng, bên trong cảm nhận lúc nào mình cũng khiếm khuyết, cũng có những lúc nghi ngờ và hoang mang, tôi cảm nhận mình trung tín trên con đường sâu đậm này. Tôi có thể dâng Thánh Lễ thường xuyên.

Càng già, nó càng có ý nghĩa với tôi. Với tuổi tác, tôi càng không chắc về hiểu biết của tôi về Chúa, tôn giáo và cuộc sống. Khi hiểu biết càng sâu, càng trải rộng thì nó bắt đầu đi về đến các bến bờ dịu mát. Ngược lại với những năm đầy tin tưởng của tuổi trẻ, bây giờ tôi sống trong ý thức các con đường tự đủ là một con đường dài, ít quy tắc cho hiểu biết về Thiên Chúa của tôi. Cái huyền nhiệm chúng ta sống là huyền nhiệm mênh mông, càng thấu hiểu tầm mức quy mô của vũ trụ và đời sống thiêng liêng thì càng thấu hiểu Chúa không thấu hiểu đến mức như thế nào. Đúng là Chúa đã vượt ngoài chúng ta, ngoài ngôn ngữ, ngoài tưởng tượng, và ngoài cả cảm nhận. Chúng ta có thể biết Chúa nhưng không bao giờ hiểu được Chúa. Và vì thế chúng ta cần phải khiêm tốn hơn, trong thần học cũng như trong giáo hội. Thánh Thễ là nghi thức duy nhất mà chính Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta, một trong những nơi chúng ta đặt lòng tin tưởng.

Thêm nữa, càng già tôi càng thấy tôi đã mù quáng như thế nào về các đạo đức giả của riêng tôi, tôi yếu và phân tích lý luận như thế nào trong bản chất con người của tôi. Không phải lúc nào tôi cũng biết tôi đang lý luận, đang chệch hướng hay đang theo Chúa Giêsu. Và khi làm, không phải lúc nào tôi cũng có đủ sức mạnh hay ý chí để làm những gì tôi biết là đúng. Vì thế tôi dựa mạnh vào lời mời gọi của Chúa Giêsu để lại trước khi chết, bẻ bánh và uống rượu để nhớ đến Người và tin rằng, và dù cho mọi sự là bất định, đó là những gì tôi phải làm trong khi chờ Chúa trở lại.

Trong những buổi hướng dẫn các cặp dự bị hôn nhân, mục sư người Đức, nhà thần học tử đạo trong thời Đức quốc xã, đã lưu ý khi dùng tù trong việc này: Bây giờ, các bạn đang yêu nhau và các bạn nghỉ tình yêu hổ trợ cho hôn nhân. Không phải. Hôn nhân hổ trợ cho tình yêu của bạn!

Thánh Thể là nghi lễ phụng vụ của người Kitô, chúng ta không thể duy trì  đức tin, đức ái, thứ tha, hy vọng dựa trên suy nghĩ và cảm nhận, nhưng, chúng ta có thể duy trì chúng qua Thánh Thể. Chúng ta không thể lúc nào cũng rõ ràng trong đầu và nhiệt thành trong tim; chúng ta không thể nào biết chắc con đường đi chính xác của Chúa; và chúng ta cũng không thể lúc nào cũng ở tầm cao mà đức tin đòi hỏi chúng ta, về mặt luân lý cũng như nhân bản. Nhưng chúng ta có thể trung tín vào chuyện này, một cách sâu đậm: Chúng ta dự Thánh Lễ thường xuyên.


Fr Ron Rolheiser, OMI
Our One Great Fidelity, 2009

Sunday, March 27, 2011

19. Sự hiện hữu của Thiên Chúa

Bạn có chứng minh được Chúa hiện hữu không? Một vài triết gia lớn nhất tin rằng họ có thể làm được. Trong số đó có Anselm, Aquinas, Descartes, Leibnitz, Spinoza, Hatshorne đã từng cố gắng chứng minh điều này.
Họ có các cách tiếp cận khác nhau. Một số người như  thánh Tôma A-qui-nô cố gắng chứng minh có Chúa với lý lẽ cho rằng sự tồn tại và thiết kế của vũ trụ cần phải có một Thiên Chúa là đấng sáng tạo và làm căn nguyên cho nó.

Chẳng hạn, một trong những chứng cớ A-qui-nô đưa ra là theo hướng này: Tưởng tượng bạn đang đi dọc theo một con đường, bạn thấy một cục đá trên mặt đất, có người hỏi bạn: «Ai đã đặt nó ở đây?» Bạn có thể trả lời dễ dàng trước nay nó vẫn ở đó. Chẳng thắc mắc gì vì nó tự nhiên là như vậy. Nhưng, cũng đi dọc con đường đó, bạn thấy một chiếc đồng hồ đeo tay nằm trên mặt đất, còn kêu tích tắc, còn báo giờ được. Liệu bạn còn có trả lời dễ dàng trước nay nó vẫn ở đó không? Lần này thì không dễ. Thiết kế thông minh của tạo dựng cho bạn biết nó không đơn giản là kết quả của tự nhiên, nhưng là sản phẩm của một nhà thiết kế tài tình nào đó, cũng như sự việc chiếc đồng hồ còn kêu tích tắc chứng tỏ rõ ràng không phải lúc nào nó cũng ở đó.

Sau đó thánh A-qui-nô dùng hình ảnh này để mở rộng ra với toàn vũ trụ. Thiết kế tài tình của vũ trụ (chẳng hạn hệ thần kinh trung ương và cấu trúc não bộ của loài người) theo danh từ chuyên môn của ngành thiết kế thì nó phức tạp hơn chiếc đồng hồ đeo tay cả tỷ lần và sự kiện vũ trụ sẽ có ngày tàn lụi sẽ chứng tỏ cho chúng ta thấy không phải lúc nào nó cũng có mặt ở đây. Hẳn có một nhà thiết kế tài tình nào đó đã tạo ra và cho nó một khởi đầu thời gian.

Các triết gia Descartes, Leibnitz, Spinoza, và Anselm có cách lý giải khác. Họ đi theo hướng này: Nếu nói rằng khả thể có Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã hiện hữu, bởi vì không thể nào có một khả thể về Thiên Chúa. Và vì khả thể có Thiên Chúa, Thiên Chúa hiện hữu!

Điều đó nghe có vẻ khá ngớ ngẩn đối với đầu óc bình thường, tuy nhiên phương trình nhỏ bé khác thường này, đã từng được diễn đạt trong nhiều cách khác nhau, đã từng khiến một số bộ óc vĩ đại nhất thế giới phải suy nghĩ, nó cũng ngụ ý những đầu óc bình thường như chúng ta có lẽ đang bỏ quên một điều gì đó trong ý nghĩa của nó.

Triết gia Anh, Frederick Copleston, trong một cuộc tranh luận nổi tiếng với Bertrand Russell, từng đưa tất cả những tranh cãi này vào phương trình: Nếu vũ trụ có ý nghĩa, thì Chúa hiện hữu. Một người vô thần như Russell quả thật đã thừa nhận chân lý này, song sau đó ông lập luận rằng vũ trụ chẳng có ý nghĩa nào cả ngoài sự kiện ngẫu nhiên, khắc nghiệt không thể nào lý giải trọn vẹn.

Có thể nói gì về những “chứng cớ” này? Chúng chứng tỏ được gì không?

Những chứng cớ này không phải là những phương trình toán học hay khoa học, do đó chúng không chứng minh được gì trong đó cả. Chúng cũng không phải là những lý lẽ buộc một người theo chủ nghĩa hoài nghi phải tin vào Thiên Chúa. Nhưng cũng không hẳn là chúng không có ý nghĩa nào. Giá trị của chúng là đã đưa ra một điều gì đó sâu đậm, cách xa toán học và khoa học, một điều gì đó ẩn sâu dưới bề mặt mời gọi bạn hoặc tin tưởng hoặc hoài nghi, để tin rằng tất cả có nghĩa hay vô nghĩa. Sức mạnh của chúng là sức mạnh của tinh thần: Giống như làm sao bạn biết có người thương mình? Làm sao biết ai mình có thể tin được? Điều gì cho bạn cảm nhận rằng cuộc đời có ý nghĩa?

Karl Rahner từng đưa ra chứng cớ riêng của ông về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đối với ông, chúng ta nếm trải Thiên Chúa bằng những trải nghiệm nào đó và những trải nghiệm này cuối cùng khắc sâu đậm trong lòng chúng ta với lòng tin rằng vũ trụ này có một ý nghĩa, rằng chúng ta có đủ lý do để yêu thương và tin tưởng, rằng có một thế giới cách xa thế giới này, và rằng có một Thiên Chúa. Ông lý giải điều đó như sau:

Có khi nào bạn thinh lặng, dù bạn đang muốn kháng lại, dù bạn đang bị đối xử bất công? Có khi nào bạn tha thứ, dù không nhận được một phần thưởng nào và người khác còn cho đó là chuyện dĩ nhiên?

Có khi nào bạn vâng lời, không phải vì ép buộc hoặc sợ gặp rắc rối nào đó, nhưng đơn giản vì một cái gì huyền bí, không diễn tả nên lời, không thể hiểu được trong chính bản thân bạn?

Có khi nào bạn hy sinh, mà không nhận một lời cám ơn, không có một sự công nhận nào, thậm chí không cảm thấy thỏa mãn trong lòng?

Có khi nào bạn hoàn toàn cô đơn và, trong tình trạng đó, bạn phải quyết định làm một điều gì đó trong sạch vì lương tâm, từ một nơi xa xôi bạn có thể diễn tả được, một nơi cô đơn sâu thẳm, một nơi bạn biết bạn đang quyết định một điều gì đó mà trách nhiệm luôn luôn và vĩnh viễn sẽ thuộc về bạn?

Có khi nào bạn cố gắng yêu thương khi không có một ngọn sóng nhiệt tình nào cuốn bạn đi cùng để bạn không bị xáo trộn giữa những đòi hỏi của mình với tình yêu?

Có khi nào bạn nhẫn nại mà không cảm thấy cay chua khi làm nhiệm vụ của mình, khi nhiệm vụ đó giống như cái chết, nó như đang muốn giết bạn, có vẻ ngớ ngẩn khi người khác nhìn vào, và bỏ lại bạn lại với cảm giác vô vọng, không giống với những người đã chọn một lối đi dễ chịu hơn?

Có khi nào bạn tốt với một người mà người đó không hề biết ơn hay thấu hiểu lại, bạn không có một phần thưởng nào mà còn bị cho là người không tốt và vị kỷ?

Nếu bạn từng trải nghiệm một trong những điều này, khi đó bạn đã trải nghiệm Thiên Chúa và bạn nhận ra rằng có một nền tảng sâu đậm nằm dưới bề mặt bạn đang bước lên.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(The Existence of God, 2005)

Saturday, March 26, 2011

18. Cội nguồn chìm nổi của ơn huệ

Thiên Chúa viết lịch sử ơn cứu độ bằng những đường khúc khuỷu. Mặc dù biết như vậy nhưng hiếm khi chúng ta thử áp dụng nó vào tiến trình lịch sử thiêng liêng của Giáo Hội hay vào sự kiện Chúa Giêsu Kitô ra đời. Câu chuyện Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người cũng được viết bằng những dòng khá khúc khuỷu.

Linh Mục Raymond Brown, một học giả Thánh Kinh nổi tiếng đã chú giải sâu sắc một đoạn trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu về gốc gác Đức Giêsu mà chúng ta ít khi lưu ý đến, đoạn kể về gia phả của Đức Giêsu từ thời tổ phụ Áp-ra-ham đến thời Đức Maria. Cha Brown chú giải các điều Mát-thêu kể trong gia phả Đức Giêsu như một câu chuyện ba chìm bảy nổi. Họ hàng Đức Giêsu có số những người tội lỗi nhiều ngang với số các vị thánh. Gốc gác của Ngài bắt nguồn trong dòng đời khúc khuỷu của lịch sử, cũng gồm những kẻ nói láo, phụ bạc, ngoại tình, và sát nhân. Đức Giêsu trong sạch, nhưng dòng dõi của Ngài không được như thế.

Mát-thêu mở đầu câu chuyện về gốc gác của Đức Giêsu với tổ phụ Áp-ra-ham, cha của I-xa-ác, sau này chính ông đã đuổi một người con khác của mình là Ít-ma-el cùng với mẹ vào sa mạc. Chúng ta không tưởng tượng một tổ phụ vĩ đại lại làm như vậy. Làm sao có thể gọi đó là công bằng, công lý được nữa?

Tiếp theo thánh Mát-thêu kể về việc ông Gia-cóp giành lấy phúc lành của người anh cả khi luờng gạt cha để cha trao quyền trưởng nam cho mình. Cũng như dân Do thái chiếm đất Ca-na-an từ tay một dân tộc được quyền ưu tiên trước. Tiếp đó, trong số những người con trai của Gia-cóp, Giu-se rõ ràng là người xứng đáng nhất, nhưng ông lại không phải là người được chọn. Giu-Đa vì đố kỵ đã bán em cho dân buôn nô lệ, sau đó làm cho con dâu của mình có thai, khiến cô ấy trở thành gái điếm, thế mà ông lại là người được chọn. Công bằng nào với Giu-đa?

Tiếp theo Mát-thêu liệt kê danh sách mười bốn vị vua nối tiếp nhau trong gia phả Đức Giêsu. Trong đó, theo Sách Các Vì Vua, chỉ có hai người là En-gia-kim và Giô-si-gia được xem là hoàn toàn trung kiên với Thiên Chúa. Phần còn lại, theo cha Brown, họ đều là những vị vua “ngoại tình, sát nhân, bất tài, tiếm quyền, biếng nhác việc triều chính.”

Sau đó Mát-thêu kể về vua Đa-vít, vị vua vĩ đại trong lịch sử, người được tất cả các cuốn Kinh Thánh tự hào tuyên bố là dòng dõi xuất thân của Đức Giêsu. Phải thừa nhận rằng, Đa-vít là một con người vĩ đại cả về nhân phẩm và tâm linh, ông đã hợp nhất nhân dân, xây dựng đền thờ, viết thánh vịnh, tuy nhiên ông cũng phạm tội ngoại tình và che giấu tội lỗi bằng hành động giết người.

Cuối cùng là danh sách các phụ nữ có ý nghĩa đặc biệt trong dòng dõi gốc gác Đức Giêsu. Thay vì nêu tên bà Sa-ra, Rê-bê-ca, và Ra-khen, thánh Mát-thêu nêu tên Ta-ma, Ra-kháp, Rút và Bát-se-va trước và cuối cùng mới đến Maria, mẹ Đức Giêsu.

Một chọn lựa gây hiếu kì: Ta-ma là một phụ nữ vùng Ca-na-an, lần lượt lấy hai người con trai của Giu-đa nhưng cả hai đều chết mà không để lại người con nào, cô cải trang thành gái điếm và đã quyến rũ Giu-đa.

Ra-kháp là một cô gái điếm thật sự, nhưng lòng tốt của cô đã bảo vệ cho mật thám của Dân Ít-ra-el suốt thời gian họ chinh phục vùng đất hứa.

Cũng như Ta-ma, bà Rút là dân ngoại. Bát-se-va như chúng ta biết là người phụ nữ vua Đa-vít đã quyến rũ, sau đó ông giết người chồng của cô. Mặc dầu vậy, vụ việc tai tiếng và cái chết của đứa con ngoài giá thú với vua Đa-vít đã không ngăn bà lập mưu để bảo đảm chắc chắn một trong số con trai của mình sẽ thừa kế ngai vàng.

Ai trong số các phụ nữ này cũng có những vấn đề về hôn nhân, chứa đựng các yếu tố trái với lề luật hoặc tai tiếng, do đó họ chưa đủ khả năng mang sứ mệnh sinh hạ con Thiên Chúa ở thế gian này. Rõ ràng Mát-thêu đã làm nổi bật tên của họ để chuẩn bị cho Đức Maria, một người cũng đã có thai không giống với lề luật thông thường, bởi vì cha của Đức Giêsu không thuộc về thế gian này.

Phần cuối cùng trong gia phả Đức Giêsu hầu hết là tên của những người không được biết đến, những người vô danh. Điều đó rất quan trọng bởi vì nếu những người không tên tuổi đã đóng góp một cách có ý nghĩa vào dòng dõi của Đức Giêsu như vậy, thì chúng ta cũng không đến nỗi quá tầm thường, không quan trọng hay vô danh tới mức không thể góp phần làm cho tiến trình lịch sử đó được tiếp diễn.

Thiên Chúa viết lịch sử bằng những dòng khúc khuỷu. Không đâu nói về điều này rõ bằng đoạn kể việc Chúa Giêsu ra đời. Có một thử thách đầy ý nghĩa trong đó. Xin trích dẫn lời cha Raymond Brown: Nếu việc mở đầu câu chuyện liên quan đến số người tội lỗi nhiều ngang với số các vị thánh, nên đã có trình tự Thiên Chúa viết phần mở đầu với những dòng khúc khuỷu, thì Ngài cũng viết phần tiếp theo với những dòng khúc khuỷu, và một vài dòng trong số đó chính là cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã không do dự khi viết về âm mưu tính toán cũng như viết về sự cao cả, sự ô uế, sự trong sạch, những người đàn ông khiến thế gian phải lắng nghe và những phụ nữ làm cho thế gian phải cau mày. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện công trình của Ngài với sự hòa hợp đó.

Có lẽ thử thách thực sự trong tất cả điều này xuất phát từ chúng ta, những người chỉ muốn chấp nhận một chân dung lý tưởng duy nhất về công cuộc Giáng Thế làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa, những người chỉ muốn lịch sử viết bằng đường thẳng, không nhuốm bất kỳ một dơ bẩn, tì vết nào, không có những mảng màu tối.

Tuy nhiên chúng ta cũng đang cố gắng để thấu triệt điều đó, thật là quan trọng để chúng ta làm như vậy, bởi vì những gì được nhấn mạnh bởi các sách Phúc Âm về cuộc Giáng Thế làm người của Đức Giêsu sẽ soi rọi ánh sáng cho tất cả mọi thời kỳ lịch sử của Giáo Hội và cho chính cuộc đời của chúng ta.

Ơn huệ đầy tinh khiết, trong lành, nhưng chúng ta người đón nhận ơn huệ thường không được như vậy. Tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa vẫn không thay đổi vì bất tín, tội lỗi và toan tính của chúng ta. Kế hoạch của Thiên Chúa với ơn huệ bằng cách này hay cách khác vẫn hoạt động, và điều này cũng là điều cha Raymond Brown đã chỉ ra, đó không phải là một bài học làm chúng ta nản lòng, nhưng là một bài học khích lệ.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(The Checkered Origins of Grace, 2008)

Friday, March 25, 2011

17. Chiến đấu để yêu thương

Triết gia Jacques Maritain xuất bản tập nhật ký của vợ sau khi vợ chết. Trong lời nói đầu quyển nhật ký Raissa’s Journal, ông nói về cái chết do tai biến mạch máu não của bà, ông viết như sau:

Tuy nhiên còn một chuyện khác không dễ dàng diễn tả nhưng tôi rất muốn thêm vào. Đó là cách Chúa hành động. Đến thời điểm khi mọi sự như sụp đổ đối với chúng tôi, sau bốn tháng hấp hối, Raissa bị chôn chặt trong bốn bức tường vì bỗng nhiên bà không nói được. Trong mấy tùân lễ liền, dù cố gắng hết sức, với tất cả quyết tâm, hết sức hết trí hết lòng, mọi khả năng nói chuyện không trở lại với bà. Và bỗng nhiên, sau khi tái phát, bà khó nhọc nói được vài tiếng. Trong một trận chiến tối hậu bà phải đương đầu, không một ai trên trần thế này có thể giúp bà, tôi cũng không làm gì được. Bà giữ được bình an tâm hồn, tinh thần sáng suốt, óc hài hước, lo lắng cho bạn bè, sợ là gánh nặng cho người khác, và nụ cười tuyệt vời (nụ cười tôi không bao giờ quên khi bà cám ơn cha Riquet, sau khi cha ban phép xức dầu) và đôi mắt sáng ngời của bà. Ai đến thăm, lúc nào bà cũng cho (và với thinh lặng lạ lùng của hai ngày cuối cùng khi bà chỉ còn thở bằng tình thương) một món quà không thể sờ thấy được nhưng toát ra một nét huyền bí khép bà trong đó. Và trong suốt thời gian cơ thể bị hủy hoại như sét giáng, qua đó, Chúa yêu thương bà theo cách khủng khiếp của Chúa, một tình yêu chỉ “dịu ngọt” dưới con mắt của các thánh hay với những người nói mà không biết họ nói gì về tình yêu.”

Tình yêu của Chúa thì dịu ngọt với những ai đã là thánh và với những ai nói mà không biết họ đang nói gì. Điều đó đúng với tình yêu của Chúa cũng như với tất cả các tình yêu khác.

Tình yêu không phải dễ, trừ trong giấc mơ của chúng ta. Chúng ta không cần đọc các câu chuyện tình nhảm nhí của các tiểu thuyết rẻ tiền hay xem phim ảnh để biết sự thật về tình yêu. Chỉ cần đi nhà thờ thường xuyên: mỗi ngày tôi đi lễ, tôi đến đó với những người thiện tâm – chân thành, gắn bó, trung thực và có đức tin. Nhưng họ, (và kể cả tôi) đều là những con người, vì thế, dù ở trong cộng đoàn của những người có đức tin, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng là hình ảnh lý tưởng của tinh thần hòa hợp thương yêu như các bài thánh ca ca tụng. Có thể chúng tôi hiểu được đức tin, nhưng chúng tôi cũng là người và chúng tôi cũng có những cảm nhận như mọi người: ghen tuông, bứt rứt, tổn thương, hoang tưởng, khinh khi, cảm nhận không được yêu mến. Và ngầm bên dưới những bài ca tụng tình yêu của chúng tôi, chúng tôi cũng thấy căng thẳng, xa cách, và đôi khi cả sỉ nhục. Chúng tôi cổ võ làm sao mở rộng tâm hồn, làm sao đón nhận mọi người vào nơi này, nhưng luôn luôn có một phần nào trong con người của chúng tôi không đi theo những lời này, ít nhất là như vậy đối với một vài người.

Đó không phải là chuyện bất thường, nó là đúng cho mọi cộng đoàn, mọi tổ chức, ngoại trừ cộng đoàn nào toàn các vị thánh. Yêu thương, ớ phía bên này của vĩnh cửu, không phải là chuyện dễ dàng, ít nhất khi chúng ta cố gắng hòa hợp với mọi người chứ không phải chỉ hòa hợp với những người giống kiểu của mình.

Càng già, chúng ta càng hiểu tình yêu cần cái gì. Không dễ để nói “Anh yêu em/Em yêu anh/Con yêu thương mẹ/Mẹ yêu thương con...” và yêu thương một cách đích thực.

Yêu thương một người có nghĩa là gì? Bây giờ tôi khá cẩn thận chọn từ ngữ để nói về điều này. Có thể tôi chỉ muốn dùng hai chữ, chung thủy và tôn trọng. Yêu thương có nghĩa là giữ lời của bạn, ở lại với họ, không xoay lưng đi. Và yêu thương có nghĩa là tôn trọng hoàn toàn, để cho người yêu được tự do, chúc lành và giúp đỡ nhau để lớn lên theo chính mệnh lệnh bên trong của họ. Khi làm tròn bổn phận, đôi khi chúng ta không cảm thấy nồng ấm, nhưng tình yêu, như chúng ta biết, không phải là vấn đề cảm xúc mà là chung thủy.

Và một phần, đó là trao tặng, một điều gì đó vượt bên trên chúng ta, từ Chúa, Người có thể làm cho chúng ta điều chúng ta không thể làm cho chính mính, đó là, cùng bên nhau trong gia đình, trong cộng đồng. Rốt cuộc, đó chính là điều mà nhà thờ và  phép Thánh Thể tồn tại để thực hiện.

Đêm trước khi chết, Đức Giê-su ngồi xuống cùng các vị tông đồ và những gì Người thấy lúc đó cũng là những gì chúng ta thấy bất cứ lúc nào chúng ta đi nhà thờ - một nhóm người thành tâm chiến đấu để những đố kỵ, khó chịu, lo lắng muộn phiền, tổn thương cuộc đời không làm họ chia rẽ. Chúng ta đến nhà thờ và đến với phép Thánh Thể để xin Chúa làm cho chúng ta những điều chúng ta không thể làm cho chính mình – thương yêu nhau.

Maritain nói đúng, "Tình yêu chỉ dịu ngọt đối với những ai đã là thánh và đối với những ai ngây thơ một cách nguy hiểm". Vì chúng ta không phải là thánh cũng không phải là những người ngây thơ một cách nguy hiểm, tốt hơn là chúng ta khiêm tốn, thừa nhận sự chiến đấu hết sức khó khăn của chúng ta, và tới những nơi mà có thể làm cho chúng ta những gì chúng ta không thể làm cho chính mình


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(The Struggle to Love, 2008)
.

Thursday, March 24, 2011

16. Chỉ Muốn Một Điều Thôi

Điều gì làm nên một vị thánh? Tôi yêu thích nhất định nghĩa của triết gia Soren Kierkegaard: “Trở nên thánh là chỉ muốn một điều thôi.”

Điều đó nghe có vẻ đơn giản, nhưng như chúng ta biết, việc kiên định lựa chọn một điều gì là một trong các việc khó thực hiện nhất trong thế giới rộng lớn này. Tại sao?

Bởi vì như Thomas Aquinas nói, mỗi một lựa chọn là một từ bỏ. Quả thật nó còn hơn cả một ngàn từ bỏ. Nói một cách đơn giản: Nếu bạn chọn kết hôn với một người, bạn không thể kết hôn với một người nào khác; nếu bạn chọn sống ở một thành phố, bạn không thể sống ở thành phố khác; và nếu bạn lựa chọn dành thời gian và năng lượng của mình ở một nơi, bạn không thể dành chúng cho nơi nào khác nữa. Chúng ta không thể có được mọi thứ.

Song, đó lại là điều chúng ta hằng ao ước, chúng ta muốn tất cả và chúng ta được tạo nên để có tất cả.

Có một câu chuyện về thánh nữ Têrêxa thành Lisieux (Têrexa Hài Đồng Giê-su) giống với điều ao ước trên: Khi Têrêxa lên bảy tuổi, chị Léonie quyết định đã đến lúc mình phải ngừng chơi đồ chơi trẻ con. Vì thế, Léonie gom hết đồ chơi của mình vào một chiếc giỏ, đoạn đi vào căn phòng nơi Têrexa và Céline đang chơi đùa với nhau. Léonie nói các em có thể chọn một thứ trong chiếc giỏ và các món còn lại sẽ gởi đến viện mồ côi. Céline chọn một quả bóng có nhiều màu sắc, nhưng Têrêxa đờ người ra, không biết chọn cái gì, một lúc sau em đơn giản nói: “Em chọn tất cả, em muốn tất cả.”

Cha Henri Nouwen đã từng kể về cuộc đấu tranh của cha trong việc chọn lựa: «Tôi muốn trở thành một vị thánh lớn, song tôi cũng muốn được trải nghiệm những cảm giác mà người tội lỗi có; tôi muốn dành nhiều thì giờ để cầu nguyện, song tôi không muốn bỏ bất cứ chương trình truyền hình nào; tôi muốn sống một cuộc sống giản dị, nhưng tôi cũng muốn ở trong căn hộ đầy đủ tiện nghi, được du lịch thoải mái; và tất cả mọi thứ tôi cần để trở thành một học giả và nhà văn chuyên nghiệp. Ngạc nhiên là càng ngày cuộc sống của tôi càng phiền phức và mệt mỏi. Thật không dễ để trở nên chuyên tâm, để thành thánh, hay là để trở nên người hơn với những vấn đề này

Tôi luôn tự hào về mình, thậm chí là kiêu ngạo; và với tổn thương của chính mình, tôi nhận ra rằng cuộc đời phức tạp đến nỗi bản chất của con người bị sắp từng lớp một cách vô lý; và nhập nhằng khó hiểu là hiện tượng căn bản trong thế giới của chúng ta. Con tim và khối óc chúng ta chứa đựng nhiều thứ hơn là những gì chúng ta thật sự thừa nhận. Vì lý do này, tôi luôn thiên về phía các tác giả đã cố gắng chân thật đối mặt và đặt vấn đề với sự thật này; những giáo viên không phủ nhận hay xem thường sự phức tạp tính dục; tính chất thiêng liêng phải được xem một cách nghiêm túc, nó mang đến cho bản chất con người với tất cả tầm cao cả của nó; chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy thế giới này có quá nhiều đố kỵ, tức giận, suy thoái và bạo lực. Ngay cả những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta cũng không hề đơn giản. Chúng ta mang trong mình quá nhiều phức tạp, quá nhiều tổn thương, quá nhiều cao cả đến nỗi như James Hillman đã nói: “Vai trò đầu tiên của bất cứ gia đình nào là cáng đáng giúp bớt bệnh lý cho thành viên gia đình đó

Cuộc sống thật không đơn giản và trong số những lý do để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đó là cách chúng ta được tạo nên. Chúng ta mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Nó còn hơn là một biểu tượng đẹp được in dấu trong tâm hồn. Nó là ngọn lửa, là nguồn năng lượng thiêng liêng, là thôi thúc, khao khát không ngừng nghỉ; là ngập ngừng do dự khi chúng ta cố gắng đưa ra một lựa chọn. Như tác giả sách Giảng Viên có nói, Thiên Chúa đặt vào chúng ta tính vĩnh cữu để chúng ta không bị đồng hóa bởi thời gian từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Con người chúng ta thật phức tạp, không bao giờ biết thoả mãn, và giống như Têrêxa Hài Đồng Giê-su chúng ta không thích phải chọn lựa. Chúng ta muốn có tất cả! Mỗi đường lối thiêng liêng hiểu được bản chất con người đều phải giữ điều này trong đầu.

Vậy rồi chúng ta sẽ đi về đâu?

Cuối cùng rồi, mặc cho bao phức tạp, chúng ta đều có nhu cầu  trở thành thánh. Leon Bloy (Triết gia Pháp người đã có công giúp Jacques và Raissa Maritain đến với đức tin) đã gói gọn  bình luận về đời sống thiêng liêng và cuộc sống của ông chỉ trong một dòng sau: “Rốt cuộc, chỉ còn lại một nỗi buồn rất nhân bản, đó là không trở thành thánh”. Càng lớn lên, chúng ta càng nhận ra sự thật đó càng đúng đắn và quan trọng. Nỗi buồn đích thật chỉ có một nguồn duy nhất.

Song, để nên thánh phải có một cái giá thật sự: khó khăn trong lựa chọn, tận tâm, chuyên tâm, trung thành với chỉ một ước muốn, từ bỏ mọi cám dỗ; đổ mồ hôi, sôi nước mắt để giữ lấy đức tin; duy trì khắc kỷ đối với cảm xúc, tính dục, tinh thần cần thiết để giữ vững sự lựa chọn của mình.

Dĩ nhiên, chúng ta không nên đơn giản thực hiện điều đó bằng cách phủ nhận sự phức tạp của tâm hồn và thể xác, nhưng chúng ta cũng không nên ngập ngừng do dự, hành động, suy nghĩ theo kiểu duy lý rằng mọi thứ quá phức tạp và chúng ta bị giằng xé đến mức không thể đưa ra một lựa chọn.

Một lúc nào đó sự chần chừ do dự và giải thích theo kiểu duy lý của chúng ta sẽ phải chấm dứt; chúng ta buộc phải chọn lựa; chấp nhận những từ bỏ đầy đau đớn và chỉ muốn một điều thôi, đó là Thiên Chúa và phục vụ mọi người, bởi vì rốt cuộc nỗi buồn của chúng ta bắt nguồn từ sự thật rằng chúng ta vẫn chưa nên thánh.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(The Struggle to Will-the-One-Thing, 2008)

Wednesday, March 23, 2011

15. Những đóa hoa bên đường …

Ngày 11/3 vừa qua đã trở thành một ngày đen tối trong lịch sử nước Nhật với sự càn quét của trận động đất mạnh 8,9 độ richter và cơn sóng thần cao tới 10m. Giữa hoàn cảnh hoảng loạn và cái chết đã gần trong gang tấc ấy, tình người thật đáng quý!

…ở Tokyo Disneyland

Từ chiều tối 11-3 (ngày xảy ra động đất), Tokyo Disneyland đã mở cửa cho gần 55.000 khách vui chơi trong khu giải trí không thể về nhà vì mạng lưới giao thông tắc nghẽn lưu lại qua đêm và phân phát đồ ăn, thức uống cho họ. Tại cửa hàng bán đồ lưu niệm đang phát bánh kẹo miễn phí cho khách lưu trú, người ta thấy một nhóm nữ sinh cấp 3 ăn mặc khá diêm dúa cố tình nhận nhiều bánh kẹo hơn mức cần thiết, ánh mắt mọi người xung quanh thoáng chút khó chịu. Tuy nhiên, sự khó chịu đã mau chóng được thay bằng cảm giác ấm lòng khi chỉ ngay sau đó, họ chứng kiến chính nhóm nữ sinh này đem phát lại số bánh kẹo đã nhận cho các em bé trong khu lánh nạn ngay cạnh đó.

…tại trạm chờ xe buýt

Đường ô tô kẹt cứng, xe buýt mãi không đến, mọi người cảm động khi chứng kiến một thanh niên sang tiệm thuốc bên đường mua Kairo (miếng giữ ấm cầm tay) rồi phát lại cho những người đang xếp hàng chờ xe buýt trong giá lạnh.

…bên ngã tư đường kẹt cứng

Mỗi lần đèn giao thông chuyển sang xanh, chỉ một chiếc xe nhích lên được phía trước. Có khi trong suốt 10 phút, tất cả mọi chiếc xe đều giẫm tại chỗ. Thế mà ngoài tiếng còi “đáp lễ” mà người Nhật vẫn dùng để cảm ơn nhau mỗi khi được nhường đường, người ta tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi nào khác. Không một sự khó chịu, không lời qua tiếng lại, người ta vẫn nhường đường cho nhau một cách thân thiện.

…ngay lúc tòa nhà đang lắc lư

Khi mọi người loay hoay tìm những chiếc bàn chắc chắn để chui xuống trú thân, khi đèn – sách – các thứ lơ lửng trên đầu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, người ta cảm động nhận thấy có người vẫn cố gắng gượng từng bước chân để ra mở cửa ra vào. Việc cánh cửa mở có ý nghĩa quan trọng khi căn nhà bị xiêu vẹo vì động đất, khung cửa bị méo sẽ khiến cánh cửa không thể mở được.

…trên sân ga

Trên sân ga giá lạnh, nhiều người mệt mỏi chờ tàu khi hệ thống giao thông tê liệt chợt ấm lòng khi vài người vô gia cư mang thùng các tông đến và bảo: “Trải ra ngồi cho đỡ lạnh”. Ở Nhật, thùng các tông vốn là vật bất ly thân (được dùng khi ngủ) của những người vô gia cư vẫn thường bị nhìn bởi con mắt ít thiện cảm.

…trong siêu thị

Siêu thị tối om do tắt điện, hàng hóa rơi vãi nhưng do nhu cầu về đồ dùng thiết yếu tăng cao, họ vẫn phải mở cửa để người dân vào mua. Khách hàng dùng ánh sáng của điện thoại di động, đèn pin để tìm kiếm những mặt hàng cần thiết, họ nhặt hàng hóa rơi xuống đất, cho vào giỏ nhựa của siêu thị, xếp hàng trật tự để trả tiền. Nhân viên cửa hàng cố gắng vừa soi đèn pin vừa dùng máy tính cá nhân tính tiền cho khách. Không có cảnh hôi của, giành giật những mặt hàng khan hiếm.

…từ một email

Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: " Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".

Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: " Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ"...

(lượm lặt trên net )


* Cuối tuần rồi, sau Thánh Lễ một số em thiếu nhi đến nói với tôi "cha à, tuần tới chúng con sẽ gây qũi giúp nạn nhân thiên tai ở Nhật nhé".

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết âm thầm dâng hiến cho tha nhân đang cần sự trợ giúp quảng đại của chúng con. Amen.

.

Tuesday, March 22, 2011

14. Ngôn ngữ của thinh lặng

“Không có điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa hơn là thinh lặng.”


Thầy Eckhard đã viết như vậy. Nó có nghĩa là gì? So với những câu khác, nó chứa đựng một bí mật sâu xa.

Ngôn ngữ nào chúng ta sẽ nói trên thiên đàng? Chúng ta không biết được, tuy nhiên chúng ta có một vài ý niệm về nó qua các trải nghiệm sâu đậm trong tình thân mật của chúng ta ở trần gian này. Trong các trải nghiệm sâu sắc của tình thân mật, hiệp thông, chúng ta đến với nhau không qua lời, mà qua thinh lặng, không phải là tình trạng trống rỗng nhưng đầy ý nghĩa không nói được lên lời. Tôi ngờ rằng trên thiên đàng cũng giống như tình mật thiết của chúng ta ở đây, ở đó không cần bất cứ ngôn từ nào cả. Chúng ta sẽ biết và được biết một thứ ngôn ngữ cách xa từ ngữ bình thường, một ngôn ngữ của tình thân thiết, ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Chúng ta đã từng trải nghiệm điều này ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, khi thỉnh thoảng chúng ta hiểu một ai đó hoặc cảm thấy một ai đó hiểu mình qua trực giác, cách xa ngôn từ, cách xa mọi điều chúng ta nói lên lời, và thường hiểu biết này sâu sắc hơn là hiểu biết chúng ta có được qua các cuộc nói chuyện thông thường.

Điều tương tự cũng đúng đối với tình thân thiết trong cộng đoàn. Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi theo một khóa tĩnh tâm I-Nhã 30 ngày. Khoảng sáu mươi người chúng tôi cùng tĩnh tâm và lúc đó chúng tôi chưa biết gì về nhau. Ba mươi ngày cùng nhau sống trong thinh lặng, ngoại trừ mỗi ngày chúng tôi gặp nhau trong nhà nguyện để dâng thánh lễ. Chúng tôi ăn trong thinh lặng, không bao giờ tiêu khiển với nhau, không bao giờ có bất cứ cuộc chuyện trò nào ngoài hai dịp rất ngắn vào thời gian đầu khóa. Song, khi khóa tĩnh tâm kết thúc, chúng tôi cảm nhận chúng tôi đã biết về nhau sâu sắc hơn là nếu chúng tôi gặp nhau, nói chuyện với nhau suốt những ngày đó. Thinh lặng lúc đó là một thứ ngôn ngữ đầy sức mạnh, mạnh hơn cả lời nói, và nó mang chúng tôi đến với cộng đoàn trong một cách mà từ ngữ không thể nào làm được.

Gần đây tôi đã trải nghiệm điều này cũng trong một cộng đoàn tôn giáo. Tôi là thành viên của dòng truyền giáo, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (Oblates of Mary Immaculate), và một trong số những điều nhà sáng lập hội, Thánh Eugene de Mazenod ủy thác cho chúng tôi là mỗi ngày chúng tôi nên dành một khoảng thời gian dài, cùng ngồi thinh lặng với nhau trong nhà nguyện. Trải nghiệm của tôi là bất cứ khi nào chúng tôi làm điều này, một điều gì đó tương tự như “thinh lặng của tín đồ phái Quaker” thì thời gian thinh lặng trải qua cùng nhau này  kết chặt chúng tôi vào cộng đoàn hơn bất cứ những buổi gặp mặt khác. Thinh lặng là một ngôn ngữ đặc biệt.

Tuy vậy đừng xem thinh lặng đối nghịch với lời nói. Thinh lặng và lời nói đều cần đến nhau. Lời nói đảm nhận một sức mạnh lớn hơn khi nó được phát ra từ im lặng, tuy nhiên nó sẽ bắt đầu đánh mất sức mạnh khi được phát ra liên tục và không có điểm dừng. Ngược lại, thinh lặng có sức mạnh hơn sau khi chúng ta đã hiểu nhau qua lời nói. Có những điều chúng ta chỉ có thể hiểu được qua thinh lặng, cũng như có những điều chúng ta chỉ có thể hiểu được qua các cuộc nói chuyện trong cộng đoàn.

Đó là lý do tại sao trạng thái cô độc là một nghịch lý: cô độc, như chúng ta biết không có nghĩa là cô đơn, nhưng là ở trong trạng thái bình an, nghỉ ngơi, ngược với trạng thái bứt rứt giao động. Và tất cả chúng ta đều biết các nghịch lý có thể xảy ra ở đây: Đôi khi chúng ta tham dự lễ tiệc với người khác, nhưng lại quá bồn chồn để thưởng thức hoặc thậm chí là ở đó mà hồn để chỗ khác. Việc giao du nhiều với người khác lại có tác dụng ngược, chỉ thêm bứt rứt giao động và lo lắng. Ngược lại đôi khi chúng ta cô độc, cách xa mọi người, nhưng lại yên tĩnh, thoải mái, an bình. Trái lại, cô độc làm lắng dịu những bồn chồn, và thinh lặng mang chúng ta đến với cộng đoàn.

Và vì thế thật là quan trọng chúng ta cố gắng học ngôn ngữ của im lặng, cũng như cố gắng học các lời nói giúp chúng ta hiểu nhau. Có một im lặng khổng lồ đang ở phía trước và bên trong chúng ta, đang cố gắng cuốn hút chúng ta vào. Đi vào thinh lặng đó là đi vào sự thật của Thiên Chúa và đi vào thực tế của mối thân tình hiệp thông với nhau. Đây chính là lý do khiến tất cả các tôn giáo lớn, các tác giả tôn giáo lớn đều nhấn mạnh đến nhu cầu của việc giữ thinh lặng nhiều lần trong cuộc đời chúng ta.

Đáng buồn là chúng ta thường quá sợ hãi thinh lặng, sợ tình trạng ở một mình, sợ những gì chúng ta có thể gặp khi đối mặt với tất cả điều đó. Thường sự im lặng hay nói với chúng ta về cô đơn, về mất mát, tình trạng không được kết nối, một cái mồ chôn cái chết. Và vì thế chúng ta bám lấy nhau và tìm kiếm những cuộc chuyện trò, giải trí, tiêu khiển, những chuyện lấp đầy khoảng trống im lặng trong cuộc sống. Rốt cuộc, hành động chạy trốn thinh lặng này được căn cứ một cách vô thức trên nỗi sợ hãi bị thất vọng, mất mát, cả ở thế giới bên ngoài lẫn bên trong của chúng ta và tốt nhất là cứ bám vào bất cứ điều gì có thể tránh cho chúng ta khỏi sự thật đau đớn này.

Tuy nhiên nỗi sợ đó không căn cứ. Vì như Thomas Merton đã nói, có một trọn vẹn ẩn chứa trong lòng mọi vật và trọn vẹn đó chỉ có thể khám phá ra khi chúng ta tiếp cận được với mức độ sâu sắc nhất của sự vật. Và ngôn ngữ chúng ta cần thiết phải có đó là ngôn ngữ của thinh lặng – ngôn ngữ của Thiên Chúa và ngôn ngữ của tính mật thiết.


Fr Ron Rolheiser, OMI
(The Language of Silence)

Monday, March 21, 2011

13. Lời ban Sự Sống

Thầy có Lời ban sự sống” (Ga:6.68)

Bạn thân mến! Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga .6:54). Đám đông đã xầm xì với nhau: "Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?" (Ga .6:60). Họ đã quay lưng bỏ Chúa để ra đi. Một số môn đệ cũng bỏ Thầy mình mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước, nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi, bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp gian nan thử thách và họ đã không có đức tin đủ mạnh để vượt qua. Họ đã thất vọng và bỏ cuộc.

Giữa cơn khủng hoảng ấy, Phêrô đại diện nhóm 12 đã tuyên xưng niềm tin sắt son vào Đức Kitô: “Bỏ Thầy con biết theo ai ? Vì Thầy có Lời ban sự sống” (Ga:6.68) . Lời tuyên xưng của Phêrô là lời tuyên xưng tuyệt vời nhất trong lúc mọi người đang gặp khủng hoảng và quay lưng lìa xa Chúa. Cũng trong lời tuyên xưng đó, Phêrô đã dành cho Đức Giêsu một danh hiệu chưa từng có: “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga .6:69).

Chính việc mạnh mẽ tuyên xưng đức tin đã làm tan biến mọi do dự; tuyên xưng đức tin không phải là gắn bó với những chân lý trừu tượng, nhưng là với con người Đức Giêsu. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách mới thật sự là niềm tin chân chính và bền vững.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ xưa kia. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản của ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ ra đi từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.

***

Lạy Chúa! Trong những giờ phút tăm tối và khó khăn nhất của cuộc đời. Niềm tin của con bị chao đảo. Con muốn đầu hàng. Con muốn bỏ cuộc. Xin Ngài luôn nâng đỡ con, thêm niềm tin cho con và giúp con khắc ghi trong lòng lời thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai. Vì Thầy mới có lời ban sự sống”. Amen.

Radio Veritas

12. Người anh cả của người em hoang đàng

.
Năm 1985, tôi theo một khóa hội thảo của các anh chị em khắp nơi trên thế giới tụ họp về.

Tôi làm thư ký cho một nhóm nhỏ, trong nhóm tôi có một nữ tu ở Thế Giới Thứ Ba, cô y hệt mẹ Têrêxa. Cô mặc áo dòng cổ truyền, có một đời sống cầu nguyện sâu đậm, đi lễ mỗi ngày và không ai nghi ngờ về đức hạnh của cô.

Cô không xa lạ gì với các giáo huấn về xã hội của giáo hội, khi chia sẻ về cuộc sống của mình, cô nói cộng đoàn của cô và cô quyết định sống tận căn tình tương trợ với người nghèo. Từ đó, họ bỏ các tiện nghi mà hồi trước họ rất thích. Bây giờ cô sống trong tu viện, các nữ tu ngủ trên nệm rơm, chỉ có hai bộ áo thay đổi, một bộ để làm việc và một bộ đi lễ ngày chúa nhật, ăn chay thường xuyên, tránh xa hoa phung phí và làm việc cho người nghèo toàn thời gian.

Nhưng cô chưa chia sẻ xong.

Cuộc hội thảo tổ chức ở một trung tâm tĩnh tâm Brugges ở Bỉ, tiện nghi phòng ốc không hẳn như ở lâu đài. Nhưng không ai than phiền là chúng tôi sang trọng, dù chúng tôi đang họp về cái nghèo khó ở Thế Giới Thứ Ba.

Ngày thứ năm buổi hội thảo, lúc ăn trưa, người tổ chức buổi hội thảo, bà Christiane Brusselmanns, đứng dậy loan báo để thưởng cho công trình làm việc khó nhọc mấy hôm nay, chúng tôi xứng đáng được nghỉ. Vì thế, mọi người được tự do chiều nay.

Mong muốn của chúng tôi chiều hôm đó là xem thành phố Brugges, đi dạo, đi phố, uống nước giải khát và sẽ họp nhau lúc 7 giờ tối để ăn uống. Chung chung ai cũng phấn khởi.

Nhưng không phải tất cả mọi người, ngày hôm sau chúng tôi khám phá một chuyện kỳ thú. Một số người tham dự than phiền, cho rằng chúng tôi đã sai khi nói về người nghèo mà phung phí thì giờ và tiền bạc như vậy.

Buổi hội thảo chấm dứt bằng một Thánh Lễ và mọi người được mời gọi để chia sẻ cảm nhận ân sủng sâu xa nào nhận được trong buổi hội thảo này. Rất nhiều người nói, đặc biệt là những người ở nước giàu, họ chia sẻ họ được ơn ích khi gặp và trao đổi với các anh chị em các nước ở Thế Giới Thứ Ba. Gần chấm dứt, cô nữ tu trẻ lên chia sẻ:

“Những ngày vừa qua tôi được ân huệ, tôi được trở lại trên một con đường mà tôi không bao giờ mơ nghĩ là tôi cần trở lại. Đầu tiên là loan báo đi chơi tự do. Thứ nhì là nhói lên trong lòng tôi, một cái gì tê cứng và giận dữ.

Tôi tiếp tục suy nghĩ – “Thật sỉ nhục cho người nghèo! Mất thì giờ và tiền bạc. Chúng tôi đến đây với tiền bạc và thì giờ của người nghèo, vậy mà chúng tôi làm gì với thì giờ và tiền bạc đó? Chúng tôi đi dạo trên sân thượng, uống rượu, ăn ngon!” Tôi chỉ đi theo vì tôi muốn ở lại với nhóm, nhưng tôi quá khốn khổ chiều hôm đó.

Chúng tôi đi dạo và nhìn các cửa hiệu sang trọng, sau đó tôi được mời đi uống nước trên một quán cà-phê ở sân thượng. Tôi quá khốn khổ, tôi không thể từ chối – đó là lần đầu tiên tôi uống thứ rượu bổ. Tâm trạng bực tức lên đến cực độ khi tôi đến tiệm ăn buổi tối. Tôi vào tiệm, thấy tách đĩa bằng bạc, khăn bàn bằng vải lanh sang trọng, tôi muốn nôn và không muốn ngồi ăn. Tôi đi ra ngoài, ngồi trên xe buýt chờ mọi người ăn xong.

Tôi ngồi rất lâu. Bao nhiêu tư tưởng đi qua trong đầu tôi, và tôi đặt câu hỏi: “Trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu có uống và vui thích không?”

Và tôi nhận ra một sự thật khủng khiếp, Chúa sẽ vui ở đó! Tôi nhận ra có một cái gì sai nơi tôi. Lòng tôi đã lạnh tanh. Tôi như người anh cả của người em hoang đàng, làm đúng mọi chuyện nhưng lòng không vui.”

Một câu chuyện mặc khải rõ nhất. Một nữ tu sống thật sự theo Chúa Giêsu. Cầu nguyện, ăn chay, làm việc thiện, sống đạo đức, quan tâm đến công chính. Như thế đời sống thiêng liêng của cô thiếu cái gì? Đâu là chưa đủ? Và chính cô cho câu trả lời: “Tôi như người anh cả của người em hoang đàng.”

Ăn chay, như Chúa Giêsu nói, thì cũng bao gồm cả việc loại bỏ những cay đắng ra khỏi trái tim mình. Quả tim ngọt ngào là điều kiện không thương thảo trong đời sống thiêng liêng.

Tại sao? Vì, nói một cách khác, như người anh cả của người em hoang đàng, chúng ta rơi vào cạm bẫy mà T.S. Eliot mô tả: “Cám dỗ cuối cùng, đó là phản bội lớn nhất, làm đúng cho một lý do sai.”

Chúng ta không chỉ cần sự thật đúng mà thôi, chúng ta còn cần cả năng lượng đúng nữa. 


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(The prodigal son's older brother)

Sunday, March 20, 2011

11. Trung tín, món quà lớn nhất chúng ta cho người khác

Sau tang lễ của mục sư Martin Luther King, một trong các kỷ giả tường thuật buổi lễ đến nói chuyện với một ông già đứng ở bên kia lề nghĩa địa. Ký giả hỏi ông: “Người chết có ý nghĩa gì với ông? Tại sao người đó đặc biệt dưới mắt ông?” Ông già vừa khóc vừa trả lời đơn giản: “Ông ấy là người cao cả vì ông trung tín. Ông vẫn tin ở chúng tôi khi chúng tôi không còn tin ở mình, ông vẫn ở lại với chúng tôi ngay cả khi chúng tôi không xứng đáng để ở cùng ông!”

Đó là chứng tá của cả một đời. Nếu, đến ngày chôn mình, có người nói, bạn đã sống trọn một cuộc đời tốt đẹp, dù trong đời đã có những chuyện không đẹp. Ông cụ già này đã định nghĩa một điều chính xác trong chứng tá của mục sư Martin Luther King, đó là ý nghĩa của lòng trung tín. Trọn một lòng tin có nghĩa là trung tín. Đây không phải là trò chơi chữ, nó còn giá trị hơn thế.

Xét cho cùng, đức tin không phải đơn giản chỉ là tốt, là cảm thấy an bình có Chúa hiện hữu. Đức tin là cam kết vào lối sống vượt quá cả tốt và cảm nhận được bình an. Để có lòng tin đôi khi chúng ta phải độc lập với bất cứ xúc cảm nào đến với chúng ta. Rốt cùng, đức tin không phải là cái đầu, cũng không phải là quả tim nhưng hành động để hổ trợ cho điều mình đã cam kết dấn thân. Đức tin là trung tín, không hơn, không kém.

Và có thể, hơn tất cả các đức tính khác, ngày nay, ở nhà thờ, trong gia đình, trong thế giới chung chung, trung tín là đức tính chúng ta cần đến nhất. Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể cho người chung quanh là lời hứa trung tín, đơn giản hứa ở lại, không bỏ đi khi gặp khó khăn, khi cảm thấy thất vọng, bị đụng chạm, ở lại dù cảm thấy mình không được mong muốn, không được tôn trọng, ở lại khi cá tính và nhãn quan bị xung đột, ở lại nhờ kiên định.

Thường thường điều hay xảy ra trong các các việc chúng ta dấn thân làm là bỗng người này người kia hăm dọa nhau: chúng tôi cam kết ở lại với bạn, gia đình, cộng đoàn, nhà thờ với một điều kiện ngầm: tôi sẽ ở lại nếu bạn đừng làm tôi thất vọng nhiều, đừng đụng chạm đến tôi. Nếu đụng đến tôi, tôi đi!

Không gia đình, tình bạn, cộng đoàn, nhà thờ nào có thể đứng vững trên nguyên tắc này, đơn giản vì chúng ta sống và làm việc lâu dài với nhau thì không thể nào không thất vọng và đụng chạm nhau.

Bên trong bất cứ quan hệ nào – hôn nhân, gia đình, tình bạn, giáo xứ và ngay cả với các đồng nghiệp –  không bao giờ chúng ta có thể hứa là không làm thất vọng nhau, không bực mình nhau, cá tính không đụng chạm hoặc không đụng chạm nhau vì cứng ngắt, ích kỷ và yếu kém. Chúng ta không thể nào hứa mình sẽ luôn luôn tốt. Chúng ta chỉ có thể hứa là sẽ luôn luôn ở đó!

Và, cuối cùng, lời hứa đó là đủ để chúng ta ở lại và không hăm dọa bỏ nhau khi bị thất vọng hay đụng chạm, bởi vì thất vọng hay đụng chạm có thể bỏ qua và bù lại bằng đức tin và bằng tình thương để chúng ta ở lại với nhau lâu dài. Khi có đức tính trung tín trong quan hệ, thì các tổn thương và hiểu lầm có thể được thanh tẩy và ngay cả chuyển hóa thành tình thương.

Khi kỷ niệm đám cưới, ngày khấn dòng, ngày chịu chức, tình bạn lâu năm, thời gian làm việc thâm niên, rất nhiều người khi nhìn lại đàng sau, họ không còn cảm thấy bị tổn thương, ruồng bỏ, hiểu lầm, cay đắng, vì đó cũng là một phần của những năm tháng này. Những chuyện này được thanh tẩy bởi một cái gì sâu đậm, được lớn lên nhờ lòng trung tín, là tin cậy và tôn trọng.

Đôi khi các bạn thấy được điều này một cách đáng khâm phục ở hai người nào đó, họ miễn cưỡng tôn trọng nhau, cuối cùng giữa họ đã phát triển một mối quan hệ, chân thành và gắn bó với nhau qua nhiều năm tháng dù họ bất đồng về cá tính, chính trị, tôn giáo hay lịch sử. Thực tế đơn giản của việc phải tiếp xúc với nhau qua bao nhiêu năm tháng, cuối cùng, họ đã hiểu nhau sâu đậm và tôn trọng nhau dù họ rất khác biệt nhau.

Cầu nguyện cũng đóng vai trò như vậy. Các tác giả thiêng liêng lớn đưa ra một luật tối hậu về cầu nguyện và luật này không dính gì với phương pháp, phong cách, nội dung. Đơn giản: Cầu nguyện! Đừng bao giờ bỏ! Đừng bao giờ ngừng cầu nguyện! Bạn vẫn một mực cầu nguyện, cuối cùng thì Chúa sẽ thấu hiểu. Đừng bao giờ ngừng cố gắng! Và đó cũng đúng cho tất cả mọi quan hệ của chúng ta.

Món quà lớn nhất mà chúng ta cho là lời hứa trung tín, hứa chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng, sẽ không bỏ đi vì bị tổn thương hay vì cảm thấy mình không được mong muốn hoặc không được đánh giá đúng.

Chúng ta tất cả đều yếu đuối, bị xúc phạm, tội lỗi, và dễ bị tổn thương. Trong hôn nhân, gia đình, giáo xứ, bạn bè, giữa các đồng nghiệp, chúng ta không thể nào hứa là chúng ta không làm thất vọng nhau, không làm tổn thương nhau. Nhưng chúng ta có thể hứa là không bỏ đi vì thất vọng và bị tổn thương. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể hứa, và như vậy là đủ!


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(Fidelity - Our Greatest Gift to Others, 2009)

Friday, March 18, 2011

10. Nóng Giận

"Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa." ( Gia-cô-bê 1:19-20)


Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.” Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.

Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”

Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.

“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”


Sưu tầm

Thursday, March 17, 2011

09. Xin thì sẽ được

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Mt 7: 7-8)


Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa. Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại. Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan, nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người. Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn. “Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.” Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng. Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng, Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ. Nếu Ngài là Cha yêu thương, Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người. Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận: “Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.” Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết. Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm. Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy, và đón nhận nó trong bình an.

Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ, nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân. Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa, và thấy được sự vắng mặt của Người. “Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”

Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin, dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.” Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương, nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ. Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ, điều đó khó hơn nhiều.

Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho. Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành, những điều có lợi thực sự cho ta, những điều làm ta trưởng thành và triển nở, những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này. Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhưng Ngài không nuông chiều con cái, Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.

Bạn hãy cứ cầu xin nhưng hãy để cho Ngài định liệu, vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ. Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin, vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.

Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay. Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp. Cần có đức tin mới nhận ra rằng Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.

Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn.  Con biết rằng  con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.  Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.  Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.  Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.

Wednesday, March 16, 2011

08. Thánh Giá

“Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Cor 1; 18)


Thánh Giá là gì?

Tôi nhìn thấy thánh giá mỗi ngày. Tôi nghe nói về thánh giá rất thường. Thánh giá trên tháp chuông. Thánh giá trên bàn thờ. Thánh giá bán trong tiệm. Thánh giá ngoài nghĩa trang. Thánh giá trên tường đá. Thánh giá trong nghệ thuật. Thánh giá trong thi ca. Thánh giá ở khắp nơi. Nhưng thánh giá là gì? Ðể tìm câu trả lời không phải là vấn đề đơn giản. Có nhiều ýnghĩ khác nhau về thánh giá. Tùy theo mỗi người mà thánh giá có giá trị khác biệt.

* * *

Thánh giá bằng vàng thì giá trị hơn bằng gỗ. Thánh giá vàng cũng tùy theo to nhỏ mà giá đắt hay rẻ. Người mua trả giá để được bớt. Người bán thì lại mong giá cao. Người có tiền thì mua thánh giá vàng tốt. Kẻ ít tiền thì mua vàng dở. Họ lừa nhau, không cẩn thận thì mua phải thánh giá vàng giả. Ai cũng muốn thánh giá vàng. Họ vất vả, đam mê kiếm tiền để tích trữ loại thánh giá này. Khi mất thì đau khổ tiếc xót. Thánh giá là đơn vị kinh tế để ấn định tiền bạc. Thánh giá xác định sự giàu có.

* * *

Thánh giá cũng được dùng để trang điểm. Họ đeo từng chùm thánh giá trên vành tai, bên mái tóc nhuộm xanh, đỏ. Người thích thì không sao, người không ưa thì lúc đó kẻ đeo thánh giá bị khinh bỉ. Có người thích trang điểm bằng thánh giá trên giây chuyền vàng. Họ đeo thánh giá ở dạ hội, ở tiệc cưới, ở các buổi tiếp tân. Lúc đó, ý nghĩa của thánh giá để kéo kẻ khác chú ý đến mình. Và cũng có những thánh giá trên vùng ngực hở hang. Lúc ấy, thánh giá nằm trong duyên cớ của những rung cảm cám dỗ. Người có thánh giá để trang điểm thì hãnh diện. Kẻ không có thì thèm muốn. Thánh giá lúc này là xúi đẩy của lòng tham.

* * *

Thánh giá ở ngoài nghĩa trang thì vắng lặng, ít ai nhìn. Thánh giá bị mưa lạnh, bị nắng gay gắt. Thánh giá vàng thì được săn sóc, giữ gìn cẩn thận. Thánh giá ở ngoài nghĩa trang có thể gẫy đổ từ lâu nhưng chẳng ai để ý. Nhưng nếu Chúa ở trên thánh giá đó thì được tự do ngắm mây trời. Có cái hoang lạnh của buổi chiều mưa phùn, nhưng cũng có thể có tiếng hót của một cánh chim nào đó dừng chân hát vui. Có thể là sương rơi, là gió bão, nhưng Chúa không ngột ngạt vì hương phấn như những thánh giá vàng trên ngực, trên cổ của con người. Thánh giá ngoài nghĩa trang thì không được săn sóc, nhưng Chúa có tự do để thảnh thơi nhìn hoa nở, nhìn nắng bay. Thánh giá trên giây chuyền để trang điểm thì Chúa bị người ta nhìn, và nhiều khi nhìn bằng những ánh mắt thiếu trong sạch.

* * *

Cũng có nơi thánh giá được dùng để xuống đường. Họ vác thánh giá không phải để lên đồi chịu đóng đinh, nhưng để đi biểu tình và đóng đinh kẻ khác. Thánh giá với khẩu hiệu. Thánh giá với những bàn tay nắm chặt hận thù. Thánh giá đằng đằng trước mũi súng. Thánh giá để đánh nhau. Thánh giá bây giờ là phương tiện tranh đấu. Nếu Chúa nằm trên thánh giá đó chắc Chúa sợ lắm. Suốt cuộc đời, Ngài chỉ dậy các môn đệ của Ngài cách chết chứ chẳng bao giờ dậy cách chiến đấu.

Các nhà lãnh tụ thì dậy kẻ theo họ chiến thuật tranh giành ảnh hưởng. Họ phải biết làm sao để áp đặt kẻ thù. Họ phải học cách tiêu diệt đối phương. Thày Giêsu chỉ dậy môn sinh của mình phải chuẩn bị chết (Mt 21,12-13). Vì thế, khi thánh giá bị vác xuống đường biểu tình, chắc hẳn Chúa phải luống cuống lắm vì Ngài nào có biết gì.

* * *

Có thánh giá trên lầu chuông gỗ, có thánh giá trong bảo tàng viện. Thánh giá trên lầu chuông thì có khi phủ bụi mờ, mạng nhện che kín. Thánh giá không có người săn sóc, nhưng chiều chiều có tiếng chuông phổ nhạc. Sáng sáng có lời chuông đưa kinh. Con người bỏ Chúa phủ bụi nhưng có đàn bồ câu bay về, đậu xuống chuyện trò. Thánh giá trong bảo tàng viện là thánh giá qúy. Họ canh giữ cẩn thận. Nhưng khi được con người canh giữ cẩn thận thì Chúa trên thánh giá đó có nhiều lo âu. Người ta rình mò ăn cắp. Thánh giá bị đặt trong lồng kính. Nếu Chúa ở đó chắc ngột ngạt vì bị giam hãm. Ngày ngày, hàng ngàn con mắt đi qua dòm ngó. Nếu Chúa ở đó chắc Chúa bối rối lắm. Chúa trên thánh giá gỗ xấu xí thì lại được tự do. Chúa trên thánh giá mà được loài người giữ gìn quý hóa lại là một cõi tù đầy.

* * *

Người Kitô hữu nhận thánh giá để phân biệt mình khỏi tôn giáo khác. Giữa những người Kitô hữu, tu sĩ lại đeo thánh giá để phân biệt họ không là giáo dân. Giữa tu sĩ, thánh giá cũng được để phân biệt trên nhẫn bạc, trên gậy cầm để nói ai là thầy thượng phẩm chức vị, ai là tu sĩ thường. Như vậy, thánh giá cũng được dùng để là dấu hiệu phân biệt. Những ngày còn sống, Chúa lao tác mệt nhọc, nhưng không phải để xây đền thờ. Chúa vất vả đi mòn lối trên bụi đường Galilêa nhưng không phải để may cờ, dán bích chương hầu loan báo một tôn giáo mới. Chúa xây dựng Nước Thiên Chúa trong tim con người. "Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các con là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng thương mến lẫn nhau" (Yoan 13,35). Tình yêu vô hình, không nhìn thấy thì Chúa lại bảo lấy làm dấu hiệu cho người ta nhìn. Còn thánh giá hữu hình, ai cũng nhìn được thì Chúa lại chẳng chọn làm dấu hiệu.

Trên đường từ Jerusalem lên núi sọ có rất nhiều người nhìn Chúa vác thánh giá. Có nhiều kẻ đã được thừa hưởng ân huệ của Ngài, được Ngài chữa bệnh, được Ngài nuôi ăn nhưng họ không vác thánh giá đỡ Ngài. Không một môn đệ nào ghé vai gánh cho Thầy mình đỡ mỏi. Chúa đã nhiều lần qụy ngã vì yếu sức. Kẻ vác thánh giá đỡ Ngài là Simon, người xứ Kyrene (Lc 23,26). Phúc Âm không hề nói là ông Simon đã được thừa hưởng đặc ân gì của Chúa cả. Và có thể ông ta là một người ngoại giáo. Ðời là vậy, có nhiều kẻ theo Chúa nhưng để Chúa vác thánh giá một mình. Có kẻ trên danh nghĩa không là người theo Chúa nhưng lại nhờ họ mà Chúa đỡ khổ.

* * *

Thánh giá là gì?

Có quá nhiều loại thánh giá:
- Thánh giá để trang điểm. Ðiều đó đúng.
- Thánh giá là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc. Ðiều đó đúng.
- Thánh giá là phương tiện tranh đấu.
- Thánh giá có thể làm duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam.
- Thánh giá có thể để lôi cuốn, quyến dũ người khác.
- Thánh giá có thể bị quên lãng ngoài cánh đồng.
- Thánh giá cũng được gìn giữ cẩn thận trong tủ sắt khóa kín.
- Thánh giá để phân biệt chức vị trong xã hội.

Một câu hỏi mà có quá nhiều câu trả lời đúng thì câu trả lời thường là sai. Vì câu trả lời đúng nhất chỉ có một. Không bao giờ có hai cái đẹp nhất cũng như chẳng bao giờ có hai điều đúng nhất.

Người ta không thể tranh luận về thánh giá. Kẻ dùng thánh giá làm phương tiện tranh đấu thì không thể chấp nhận thánh giá là để đóng đinh mình. Kẻ muốn lấy thánh giá để làm dáng thì đối với họ thánh giá chỉ có nghĩa khi dùng để trang điểm. Ai chọn thánh giá để phân biệt mình với kẻ khác tôn giáo thì thánh giá mang mầu sắc một ký hiệu. Mỗi người nhìn thánh giá một cách khác nhau. Giá trị của thánh giá tùy thuộc cái nhìn của họ.

* * *

Ðức Kitô nói về thánh giá như sau: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá của mình mỗi ngày mà theo Ta" (Lc 9,23). Vác thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người. Như thế thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống.

Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về thánh giá chẳng có ý nghĩa gì. Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho thánh giá. Vì đã theo Ngài thì biết thánh giá là gì rồi. "Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi nơi thập giá của Chúa chúng ta" (Gal 6,14).

Tôi nói với người ta về thánh giá. Tôi cũng nghe kẻ khác nói với tôi về thánh giá. Tôi nhìn thánh giá mỗi ngày mà tôi đâu thấy vinh quang. Cuộc sống vẫn đầy rẫy trầm luân của nó. Như vậy thánh giá nào mới cho tôi hy vọng?

Giữa bao nhiêu loại thập giá, thánh Phaolô chọn có một. Ðó là thập giá của Chúa chúng ta.

Như thế, không phải thập giá nào cũng có vinh quang. Ðiều ấy cũng hàm ý là có nhiều thánh giá giả. Nếu phân biệt được thánh giá thật giữa thánh giá giả thì người ta sẽ hiểu được vấn đề sau đây.

Vấn đề là người ta phàn nàn về thánh giá. Khi gặp điều bất hạnh, người ta hay nói: Ðời tôi khổ quá! Chúa gửi thánh giá cho tôi!

Phúc Âm kể rằng Chúa bị điệu ra công trường, bị nhổ vào mặt, bị xỉ nhục, bị tát, bị đội vòng gai, bị cười. Người ta làm thập giá, bắt Ngài vác đi rồi đóng đinh Ngài trên thập giá đó (Mc 15,16-20; Mt 27,27-31; Yn 19,1-3). Như thế, thập giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người. Con người đã có sáng kiến chế ra thập giá để đóng đinh Chúa. Nếu thập giá là sản phẩm của con người thì phải nói con người đã gởi thập giá cho Chúa, chứ Chúa làm gì có thập giá mà gởi cho con người?


trích từ Nước Mắt và Hạnh Phúc, Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ
.

Tuesday, March 15, 2011

07. Làm Sao Tha Thứ

Bạn muốn được hạnh phúc trong chốc lát ? - Hãy trả thù.  
Bạn muốn luôn luôn được hạnh phúc ? - Hãy tha thứ.

Henri Lacordaire


Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi : lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý ; và lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng LÀM SAO THA THỨ ? Làm sao chữa lành ? Đó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình..., thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ trở nên càng khó !

Phêrô hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có tới bảy lần chăng ?" Chúa Giêsu đáp : "Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy" (Mt.18, 21-22). Chúa còn bảo : "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc.17,4). Ngài còn đi xa hơn nữa : "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt.5, 23-24). Điều đó quả thật không dễ : Mình có lỗi mà đi làm hòa đã khó, huống chi khi người khác có lỗi với mình và mình là nạn nhân ! Vì "khi một người cảm thấy bị thương tổn, người ấy sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu" (Sứ điệp Mùa Chay 2001 của ĐTC Gioan Phaolô II). Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau.... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (Sứ điệp ...).

Cũng chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002 là "Không có tha thứ thì sẽ không có Hòa Bình". Trong thời gian qua, đã có hai chủ đề liên quan đến Tha Thứ. Đó là chủ đề của sứ điệp Hòa Bình năm 1975 : "Hòa Giải là con đường dẫn đến Hòa Bình"; và chủ đề của năm 1997 : "Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại Hòa Bình". Trong lời mời gọi hãy tha thứ, ĐTC Gioan Phaolô II bàn về vài điều kiện cần được nhìn nhận và thực hiện, ngõ hầu hòa bình có thể có được. Những điều kiện đó là sự đối thoại thành thật và liên lỉ, sự chấp nhận trách nhiệm và sự nhìn nhận sự tự do con nguời.

Giáo Hội đi theo con đường "thanh tẩy ký ức" cách can đảm và khiêm tốn, đặt hết niềm tin tưởng vào tình thương nhân từ của Chúa, và khuyến khích thế giới hãy tin tưởng vào sức mạnh của sự thật và tình thương. Như thế tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa.

Tha thứ bao hàm cả lãnh vực thể chất, lẫn tâm lý và thiêng liêng, huy động mọi phần và mọi quan năng của con người mình, nên tiến trình tha thứ vừa dài vừa phức tạp và khó khăn, có khi phải luyện tập vòng lui vòng tới nhiều lần và can đảm bắt đầu trở lại ở một giai đoạn nào đó hoặc ngay cả từ đầu, mỗi khi thất bại, dù việc tập luyện đôi khi như đóng kịch !  Việc nầy còn tùy thuộc một yếu tố quan trọng khác nữa là thời gian : phải có thời gian cho hạt cát biến thành ngọc trai, phải có thời gian cho việc tốt tích lủy thành nhân đức, phải có thời gian cho nỗi đau dịu xuống, vết thương liền sẹo và được lành, phải có thời gian cho tha thứ thành tự nguyện và thực hiện được, đốt giai đoạn là thất bại và hỏng việc. 


trích từ LÀM SAO THA THỨ ? (Comment pardonner ?)
của Fr. Jean Monbourquette, OMI
.