Monday, March 21, 2011

12. Người anh cả của người em hoang đàng

.
Năm 1985, tôi theo một khóa hội thảo của các anh chị em khắp nơi trên thế giới tụ họp về.

Tôi làm thư ký cho một nhóm nhỏ, trong nhóm tôi có một nữ tu ở Thế Giới Thứ Ba, cô y hệt mẹ Têrêxa. Cô mặc áo dòng cổ truyền, có một đời sống cầu nguyện sâu đậm, đi lễ mỗi ngày và không ai nghi ngờ về đức hạnh của cô.

Cô không xa lạ gì với các giáo huấn về xã hội của giáo hội, khi chia sẻ về cuộc sống của mình, cô nói cộng đoàn của cô và cô quyết định sống tận căn tình tương trợ với người nghèo. Từ đó, họ bỏ các tiện nghi mà hồi trước họ rất thích. Bây giờ cô sống trong tu viện, các nữ tu ngủ trên nệm rơm, chỉ có hai bộ áo thay đổi, một bộ để làm việc và một bộ đi lễ ngày chúa nhật, ăn chay thường xuyên, tránh xa hoa phung phí và làm việc cho người nghèo toàn thời gian.

Nhưng cô chưa chia sẻ xong.

Cuộc hội thảo tổ chức ở một trung tâm tĩnh tâm Brugges ở Bỉ, tiện nghi phòng ốc không hẳn như ở lâu đài. Nhưng không ai than phiền là chúng tôi sang trọng, dù chúng tôi đang họp về cái nghèo khó ở Thế Giới Thứ Ba.

Ngày thứ năm buổi hội thảo, lúc ăn trưa, người tổ chức buổi hội thảo, bà Christiane Brusselmanns, đứng dậy loan báo để thưởng cho công trình làm việc khó nhọc mấy hôm nay, chúng tôi xứng đáng được nghỉ. Vì thế, mọi người được tự do chiều nay.

Mong muốn của chúng tôi chiều hôm đó là xem thành phố Brugges, đi dạo, đi phố, uống nước giải khát và sẽ họp nhau lúc 7 giờ tối để ăn uống. Chung chung ai cũng phấn khởi.

Nhưng không phải tất cả mọi người, ngày hôm sau chúng tôi khám phá một chuyện kỳ thú. Một số người tham dự than phiền, cho rằng chúng tôi đã sai khi nói về người nghèo mà phung phí thì giờ và tiền bạc như vậy.

Buổi hội thảo chấm dứt bằng một Thánh Lễ và mọi người được mời gọi để chia sẻ cảm nhận ân sủng sâu xa nào nhận được trong buổi hội thảo này. Rất nhiều người nói, đặc biệt là những người ở nước giàu, họ chia sẻ họ được ơn ích khi gặp và trao đổi với các anh chị em các nước ở Thế Giới Thứ Ba. Gần chấm dứt, cô nữ tu trẻ lên chia sẻ:

“Những ngày vừa qua tôi được ân huệ, tôi được trở lại trên một con đường mà tôi không bao giờ mơ nghĩ là tôi cần trở lại. Đầu tiên là loan báo đi chơi tự do. Thứ nhì là nhói lên trong lòng tôi, một cái gì tê cứng và giận dữ.

Tôi tiếp tục suy nghĩ – “Thật sỉ nhục cho người nghèo! Mất thì giờ và tiền bạc. Chúng tôi đến đây với tiền bạc và thì giờ của người nghèo, vậy mà chúng tôi làm gì với thì giờ và tiền bạc đó? Chúng tôi đi dạo trên sân thượng, uống rượu, ăn ngon!” Tôi chỉ đi theo vì tôi muốn ở lại với nhóm, nhưng tôi quá khốn khổ chiều hôm đó.

Chúng tôi đi dạo và nhìn các cửa hiệu sang trọng, sau đó tôi được mời đi uống nước trên một quán cà-phê ở sân thượng. Tôi quá khốn khổ, tôi không thể từ chối – đó là lần đầu tiên tôi uống thứ rượu bổ. Tâm trạng bực tức lên đến cực độ khi tôi đến tiệm ăn buổi tối. Tôi vào tiệm, thấy tách đĩa bằng bạc, khăn bàn bằng vải lanh sang trọng, tôi muốn nôn và không muốn ngồi ăn. Tôi đi ra ngoài, ngồi trên xe buýt chờ mọi người ăn xong.

Tôi ngồi rất lâu. Bao nhiêu tư tưởng đi qua trong đầu tôi, và tôi đặt câu hỏi: “Trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu có uống và vui thích không?”

Và tôi nhận ra một sự thật khủng khiếp, Chúa sẽ vui ở đó! Tôi nhận ra có một cái gì sai nơi tôi. Lòng tôi đã lạnh tanh. Tôi như người anh cả của người em hoang đàng, làm đúng mọi chuyện nhưng lòng không vui.”

Một câu chuyện mặc khải rõ nhất. Một nữ tu sống thật sự theo Chúa Giêsu. Cầu nguyện, ăn chay, làm việc thiện, sống đạo đức, quan tâm đến công chính. Như thế đời sống thiêng liêng của cô thiếu cái gì? Đâu là chưa đủ? Và chính cô cho câu trả lời: “Tôi như người anh cả của người em hoang đàng.”

Ăn chay, như Chúa Giêsu nói, thì cũng bao gồm cả việc loại bỏ những cay đắng ra khỏi trái tim mình. Quả tim ngọt ngào là điều kiện không thương thảo trong đời sống thiêng liêng.

Tại sao? Vì, nói một cách khác, như người anh cả của người em hoang đàng, chúng ta rơi vào cạm bẫy mà T.S. Eliot mô tả: “Cám dỗ cuối cùng, đó là phản bội lớn nhất, làm đúng cho một lý do sai.”

Chúng ta không chỉ cần sự thật đúng mà thôi, chúng ta còn cần cả năng lượng đúng nữa. 


Fr. Ron Rolheiser, OMI
(The prodigal son's older brother)