Saturday, April 2, 2011

25. Phép Thánh Thể, một dâng mừng cho cuộc sống hằng ngày

Đôi khi chúng ta quên là Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng bò, chứ không phải trong nhà thờ, và Thiên Chúa nhập thể thì liên hệ đến bàn ăn trong nhà bếp cũng nhiều như bàn thờ hội thánh. Ngài thuộc về gia đình cũng nhiều như thuộc về tu viện. Chúng ta nên giữ điều quan trọng này trong đầu nếu muốn tìm hiểu Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là nhiệm thể Chúa Kitô, một tiếp diễn của Nhập thể, và cũng như việc Chúa sinh ra, có nghĩa là thần thiêng cụ thể nhập vào tạo vật mỗi ngày.

Vì vậy, giữa các ý nghĩa khác nữa, thì Bí tích Thánh Thể đơn giản là một bữa ăn gia đình, một mừng lễ cộng đoàn, một nơi như bàn ăn và phòng khách, nơi chúng ta hội lại để cùng nhau chia sẻ cuộc sống bình thường, để mừng những sự kiện đặc biệt, để an ủi và khóc với nhau khi cuộc sống nhuốm màu đau buồn, và để ngồi lại với nhau đơn giản là cùng ở chung với nhau.

Con người sống một mình không tốt. Thiên Chúa đã nói những lời này trước khi tạo ra Evà, và Ngài ý chỉ không phải cho ông A-dong, người đầu tiên mà thôi, nhưng là mãi mãi cho tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ và hết thảy tạo vật. Không ai tự mình là một hòn đảo, thậm chí một phân tử hay một nguyên tử cũng vậy. Tất cả mọi tạo vật được định liệu là phải liên kết. Bí tích Thánh Thể vinh danh điều đó.

Khi Đức Giêsu trao cho chúng ta Phép Thánh Thể, Ngài mong muốn đó là nghi lễ mời gọi chúng ta đến với nhau như một gia đình, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Trong đức tin, như một chuyện tự nhiên, chúng ta được định liệu để đến với nhau khi vui khi buồn, khi có lễ hội, khi có dịp vui thú, khi mừng một em bé ra đời hay khi chôn cất người thân yêu, khi trao thân cho nhau trong phép hôn phối, khi cần hòa hợp, khi tràn đầy sức sống hay khi kiệt sức, khi cảm nhận sự cần thiết của người khác, khi muốn tạo khoảng cách với họ, và cả khi chúng ta chẳng có lý do nào khác hơn là bản năng tự nhiên mời gọi chúng ta đến với nhau.

Phép Thánh Thể mời gọi chúng ta tụ họp lại như một gia đình. Điều cốt lõi nhất của đời sống gia đình là chia sẻ với nhau những chuyện đặc biệt cũng như những giây phút bình thường của cuộc sống. Gia đình tụ họp lại với nhau để mừng những dịp: Sinh nhật, đám cưới, tốt nghiệp, chuyển đổi, đau ốm, tang tóc, và an táng. Vào những dịp này, bầu khí nghiêm trọng hơn, sinh lực mạnh hơn, và rõ ràng những dịp này là dịp đáng để chúng ta tụ họp lại với nhau. 

Nhưng những gia đình hỗ trợ nhau, họ cũng họp nhau thường xuyên, lý tưởng là mỗi ngày, bất kể có dịp đặc biệt hay không. Gia đình không chỉ quây quần với nhau khi có năng lực tốt, khi mọi người mạnh mẽ, khi không có ai chán chường hay giận dữ, hay khi có những dịp nào đó cần gặp nhau. Gia đình gặp nhau dù nhạt nhẽo, chán ngắt, thiếu năng lực, bận rộn, xao nhãng, mâu thuẫn cá nhân bởi vì, ngay từ đầu, họ nhận ra, dù không đầy đủ, trong đời sống gia đình việc chia sẻ các thú vui, phiền muộn, giải trí, những căng thẳng cuộc sống cũng quan trọng như chia sẻ những lúc vui sướng đặc biệt. Những buổi cơm tối với thức ăn đơn sơ, dù ăn nhanh trong 20 phút với những câu chuyện quanh quẩn ai thua ai thắng trong trấn đá banh, không giống như các bữa tiệc đêm Noel hay những lúc trò chuyện ở đám cưới hay đám tang, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng như vậy trong việc xây dựng và giữ cho gia đình quây quần bên nhau. Gia đình là chuyện mỗi ngày, cũng như trong những dịp đặc biệt. Và Phép Thánh Thể cũng như vậy.

Với rất nhiều lý do, chúng ta đã không nhanh nhạy trong việc đón nhận nghiêm túc khía cạnh này của Phép Thánh Thể. Có lẽ do các chiều kích khác của Bí tích này quá mức thần thánh. Chúng ta không thích đón nhận điều này cũng như chúng ta phê phán những người đi nhà thờ chỉ vì khía cạnh xã hội: “Cô ấy không đi nhà thờ để cầu nguyện! Cô ấy đi nhà thờ chỉ để có dịp gặp người này người kia!” Lúc nào đây cũng là tiếng nói tiêu cực, nhưng thật ra đó cũng là một, trong các lý do tốt khác, để đến dự bí tích Thánh Thể. Nghi thức Thánh Thể được trao ban cho chúng ta bởi vì chúng ta là con người của xã hội. Đi nhà thờ để giao thiệp xã hội cũng là một lý do đáng để đi.

Tôi ước sao tôi nhận thức được điều đó như đứa trẻ đi nhà thờ trong những dịp đặc biệt, như Giáng Sinh và Phục Sinh, và nghe linh mục dùng từ “cử hành” để mô tả sự họp nhau trong Phép Thánh Thể mà không bao giờ, không một giây, nối kết điều đó với bữa ăn tối gia đình mà chúng tôi dự tính là sẽ dùng khi về đến nhà.

Tôi cũng ước sao người ta cũng biết được điều này, khi họ cách xa nhà thờ, vì buồn chán hay giận dữ hay vì  cảm thấy sự hiện diện của họ chỉ mang tính xã hội chứ không phải vì cầu nguyện.

Một trong những lý do chúng ta đến nhà thờ là để cầu nguyện, nhưng chúng ta đến đó cũng cùng một lý do khi chúng ta đến bên nhau trong buổi ăn tối với gia đình. Đến được là tốt, bất kể vì lý do gì đi nữa!

Fr. Ron Rolheiser, OMI
(The Eucharist as a Celebration of Everyday Life, 2009)